Ðể pháp luật gần gũi với học sinh
Trong lần thứ 2 tổ chức, cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến “Luật gia tương lai” cho học sinh THPT đã được triển khai rộng rãi hơn, qua đó, góp phần đưa pháp luật gần gũi hơn với học sinh.
Năm 2016, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ GD&ĐT, Công ty CP tập đoàn giáo dục ERgroup tổ chức thí điểm cuộc thi “Luật gia tương lai” tại 3 tỉnh, thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp. Sang năm 2017, có thêm 18 địa phương “vào cuộc”, gồm Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Điện Biên, Đà Nẵng, Gia Lai, Hải Phòng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Tây Ninh và Vĩnh Phúc.
Bổ ích, thiết thực
Nội dung cuộc thi “Luật gia tương lai” xoay quanh kiến thức pháp luật được giảng dạy trong nhà trường theo chương trình THPT có mở rộng, cập nhật phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý lứa tuổi. Một số nội dung được tập trung là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của thanh niên, học sinh; các quyền dân sự cơ bản của công dân, người lao động chưa thành niên; các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm pháp lý của lứa tuổi học sinh THPT trong lĩnh vực hình sự, hôn nhân và gia đình, phòng chống buôn bán người, giao thông đường bộ…
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Thái Học thi thử trên website của cuộc thi luatgiatuonglai.vn.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn, cuộc thi góp phần đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. “Cuộc thi tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật. Từ đó, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội trong độ tuổi thanh thiếu niên”, ông Toàn nhận định.
Là một trường công lập tự chủ, ý thức chấp hành pháp luật của một số học sinh còn có mặt hạn chế nhất định, nên Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) rất quan tâm đến cuộc thi. “Bên cạnh giờ học chính khóa và ngoại khóa, những cuộc thi như thế này rất hữu ích để giáo dục đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh. Kiến thức sách vở phải chú trọng, nhưng rèn luyện đạo đức cũng quan trọng không kém”, Phó Hiệu trưởng Phạm Duy Ngọc chia sẻ.
Hào hứng vào cuộc
Ngày 3.10, Sở Tư pháp tổ chức tập huấn cho đại diện 54 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, các trường đã triển khai cuộc thi đến học sinh. Theo thầy Nguyễn Văn An, Bí thư Đoàn Trường THPT Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), thông tin về cuộc thi, nhất là thể lệ, cách thức tham gia đã được phổ biến đến từng lớp. “Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến kết quả thi là đường truyền internet phải thật sự ổn định. Sau khi đăng ký, học sinh có thể sử dụng máy vi tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet để tham gia bất cứ lúc nào, nên các em rất thích thú”, thầy An nhìn nhận.
Theo thể lệ, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký 1 tài khoản để tham gia thi trắc nghiệm trực tuyến trên website của cuộc thi (http://luatgiatuonglai.vn hoặc http://hoccungthukhoa.vn). Cuộc thi được tổ chức theo 2 cấp: cấp trường và cấp tỉnh. Thi cấp trường diễn ra từ 2.10 - 12.11, gồm 6 tuần thi liên tiếp. Thi cấp tỉnh gồm 2 vòng thi: vòng loại online diễn ra từ 18 - 21.11 và vòng thi chung khảo tập trung từ 25 - 30.11. 6 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất trường sẽ tham gia thi vòng loại online để chọn ra 1 thí sinh có kết quả cao nhất tham dự vòng chung khảo tập trung.
Tại Trường THPT Nguyễn Thái Học, Đoàn trường tổ chức tập huấn, cho các Bí thư chi đoàn thi thử để nắm vững cách thức tham gia và tính chất, độ khó của câu hỏi, phổ biến cho bạn bè. “Tài liệu hướng dẫn được dán ở từng lớp, qua thi thử các em thấy câu hỏi không quá phức tạp, kiến thức sát hợp nên mới hào hứng tham gia. Hết tuần thi đầu tiên, chúng tôi tổ chức khen thưởng cho các em có kết quả cao, thêm phần khích lệ tinh thần học sinh”, Bí thư Đoàn trường Nguyễn Thị Nhuần thông tin.
Tính đến 15 giờ ngày 14.10, toàn tỉnh đã có 4.987 học sinh tham gia với 8.198 lượt thi, xếp thứ 5/ 21 địa phương. Trong đó, có 65 em đạt điểm tuyệt đối (100 điểm). Em Võ Văn Hưng, học sinh lớp 10A9, Trường THPT Nguyễn Thái Học, chia sẻ bí quyết để đạt điểm tuyệt đối: “Sau khi thi thử, em thấy nội dung câu hỏi thiết thực, gần gũi nên lên mạng tìm hiểu sâu hơn về cuộc thi và các kiến thức liên quan. Sau đó, thi thử thêm nhiều lần nữa để rèn luyện thao tác, kỹ năng. Nhờ đó, sang tuần thứ 2 em đã đạt 100 điểm, trong khi tuần đầu chỉ đạt 96 điểm”.
NGUYỄN VĂN TRANG