Nhức nhối học đường
Có lẽ, nhiều người sẽ chẳng còn bất ngờ, sửng sốt gì nữa khi nghe tin một vụ bạo lực học đường lại vừa xảy ra. Trưa 7.10, nhóm 5 nữ sinh ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đánh hội đồng bạn cùng lớp. Đoạn clip chia sẻ trên Facebook, sau đó tràn lan trên các mặt báo. Nhóm nữ sinh thay nhau chửi tục, giật tóc, tát bôm bốp vào mặt bạn mình cũng chỉ vì mâu thuẫn trên... Facebook. Có cô bé đứng trên bàn nhảy xuống, cưỡi lên đầu bạn, như cái cách người ta đấu võ tự do. Và tận cùng của màn tra tấn đó là lột áo, như cái kết của một pha đánh ghen nào đó.
Học sinh vượt đèn đỏ là hình ảnh không khó để bắt gặp ở TP Quy Nhơn.
Nên nhớ, các em mới học lớp 7. Tuổi hồng thơ ngây, thánh thiện. Chuyện xảy ra trong lớp học, trên bảng lúc nào cũng treo dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho biết sẽ quy rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan, kiểm điểm nhà trường. Song, chẳng ai dám chắc, sau lần kiểm điểm này, sẽ không còn những vụ bạo lực học đường dã man. Cũng chẳng biết, phụ huynh của những nữ sinh “đầu gấu” kia thật sự nghĩ gì và sẽ làm gì.
Đến đây, lại nhớ đến lời tâm sự của một giáo viên ở TP Quy Nhơn. Rằng chị buồn, rất buồn sau khi nghe không ít phụ huynh nói: “Mấy thầy cô cứ lo dạy chữ đi, chuyện mũ nón của tụi nó thì bên công an lo, có gì mà ghê gớm”. Số là, học sinh mới vào lớp 10 đa phần đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Chi đoàn giáo viên nhà trường cắt cử nhau đột xuất giám sát ở gần trường, ghi danh các em vi phạm, xử lý. “Nhiều em ngạc nhiên, ở cấp II tụi em có bao giờ đội mũ bảo hiểm đâu, lên đây sao căng vậy. Sau gần 7 tuần, số em không đội mũ bảo hiểm giảm từ hơn 100 chỉ còn khoảng 6 - 7 em”, chị chia sẻ.
Cách làm như ngôi trường nọ có lẽ còn như muối bỏ bể. Thế nên mỗi lần đến ngã tư gặp đèn xanh, sợ nhất là những chiếc xe đạp điện của áo trắng hồn nhiên hay ngang nhiên vun vút lao qua từ phía đèn đỏ.
Trong lớp đánh bạn, ra đường chẳng quan tâm đèn xanh hay đỏ, mũ nón là… chuyện nhỏ. Bên cạnh số em “biết nhưng vẫn cố tình làm”, vẫn còn không ít học sinh thiếu hiểu biết, chưa ý thức được việc mình làm là vi phạm pháp luật.
Giáo dục pháp luật trong nhà trường chưa bao giờ là vấn đề cũ.
MAI LÂM