Kazuo Ishiguro và những cảnh báo
Giải Nobel Văn chương 2017 đã được trao cho Kazuo Ishiguro, nhà văn Anh gốc Nhật. Điểm nổi bật trong văn chương của Kazuo Ishiguro là ông cảnh báo sự tha hóa của con người, tính ích kỷ và sự bào mòn của tình nhân loại. Tiểu thuyết “Mãi đừng xa tôi” (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Văn Học ấn hành) là câu chuyện điển hình.
“Mãi đừng xa tôi” kể về Hailsham, một ngôi trường nội trú chuyên nuôi dạy những đứa trẻ vốn là bản sao vô tính, để khi đến tuổi trưởng thành, nội tạng của họ sẽ trở thành nguyên liệu ghép cho các bệnh nhân có nhu cầu. Nói một cách trần trụi họ trở thành người nguyên liệu - vật cung cấp tạng. Kathy, Ruth và Tommy là học sinh của trường Hailsham. Dù là “người nguyên liệu”, họ vẫn khát khao sống, ao ước được trải nghiệm cảm giác làm người.
Kazuo Ishiguro (SN 1954 tại Nagasaki, Nhật Bản). Năm 1960, ông theo gia đình sang Anh sinh sống, tốt nghiệp Trường ÐH Kent năm 1978, nhận bằng Thạc sĩ khoa sáng tác văn chương của Trường ÐH East Anglia năm 1980. Hiện Kazuo Ishiguro sống và làm việc tại Luân Ðôn cùng vợ và con gái. Ðến nay, có 3 tác phẩm của Kazuo Ishiguro đã được dịch sang tiếng Việt, gồm 2 tiểu thuyết - Mãi đừng xa tôi (2008), Người khổng lồ ngủ quên (2017) và tập truyện ngắn - Dạ Khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông (2013).
“Mãi đừng xa tôi” là chuyện khoa học giả tưởng nhưng xét về tính khả thi của tiến bộ y khoa, nó rất thật. Tuy nhiên, xét về mặt đạo đức, như thế là phi nhân tính. Ai cũng biết rằng “nhân tính” là điểm then chốt phân biệt Người với Động vật. Nhân tính hình thành trong con người, nhờ chính con người nuôi dưỡng trong hàng triệu năm mà thành. Nhưng nó sẽ nhanh chóng mất đi khi Con Người lãng quên nó. Đó, nói Kazuo Ishiguro “cảnh báo sự tha hóa của con người, tính ích kỷ và sự bào mòn của tình nhân loại” là vì thế.
Ruth không qua khỏi sau lần hiến tạng thứ hai. Tommy đến lần hiến thứ tư đã ra đi. Kathy bền bỉ hơn nhưng trên con đường tăm tối hun hút ấy, trì hoãn đôi chút phải chăng chỉ khiến đau đớn nặng thêm? Kazuo Ishiguro có kiểu kể chuyện cố-ý-vô-cùng-chậm-rãi. Trong mạch văn ấy, những điều “giả tưởng”, tự lúc nào đó đã thành “thực tưởng”. Ngay khi đó, người đọc sẽ tự mình đọc cuốn sách chậm hơn cả mạch văn.
ĐÔNG A