Cha, con và sức mạnh tinh thần
Câu chuyện về Bôm và người cha Quốc Tuấn trong chương trình “Điều ước thứ 7” thật đẹp. Đó là một bản hòa tấu xúc động về một người cha không bao giờ từ bỏ con mình, dù cậu bé gặp căn bệnh hiếm có trên thế giới; và giờ đây cậu đã là tân sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Câu chuyện làm ta nhớ đến cuốn sách “Ba ơi, mình đi đâu?” của tác giả Jean - Louis Fournier, gần như tự truyện về cuộc sống của mình với hai cậu con trai tật nguyền.
Đó là sự vượt lên bản thân, mạnh mẽ trong cách nghĩ của chính tác giả: “Chúng tôi, những người làm cha mẹ, chúng tôi không thấy điều đó. Đối với chúng tôi, nó vẫn xinh xắn, vẫn là đứa con đầu lòng. Dù sao đi nữa chúng tôi vẫn luôn gọi nó là một em bé xinh xắn. Một em bé thì không có quyền được xấu xí, nên bất chấp thế nào, người ta cũng không được quyền nói nó xấu xí”.
Đó là đối mặt với thực tế. Là trái tim bao la. Là bài ca đặc biệt, mạnh mẽ, can đảm. Những điều tưởng như không thể, vẫn diễn ra trong cuộc đời này. Nước mắt chỉ biểu hiện khi nỗi đau đã đến, nhưng lặng thầm vượt qua còn cao cả hơn. Người cha trong cả hai tác phẩm trên rất giống nhau, họ đều dành một đời người để gắn bó với những rủi ro của con mình. Cha của các cậu bé, là người đồng hành tuyệt vời nhất, người nâng đỡ những giây phút yếu lòng của đứa trẻ. Đó là một thử thách không hề nhỏ. Tình cảm gia đình đã mãnh liệt như vậy, những điều thiện nguyện trong đời này, chẳng phải sẽ được thắp thêm động lực hay sao!
Người ta vẫn thường dùng từ “con mình mà” để nói đến những đứa trẻ, dù chúng may mắn thành đạt hay chưa được ngoan hiền, chưa trưởng thành. Tất cả đều cho ta thấy, những điều đẹp đẽ nhất, những hy vọng đẹp đẽ nhất, thậm chí là vô vọng, đau đớn vẫn luôn tồn tại, trong chính trái tim vô bờ bến của các bậc phụ huynh. Một sức mạnh tinh thần to lớn!
NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG