Cải cách hành chính: Chấn chỉnh bất cập, đảm bảo quyền lợi của dân
“Một cửa” nhưng “nhiều khóa”, quản lý hồ sơ theo kiểu thô sơ, thậm chí có nơi còn yêu cầu thêm giấy tờ không đúng quy định… Nhiều hạn chế, bất cập đã được chỉ ra sau hoạt động kiểm tra cải cách hành chính đợt 2 năm 2017 tại cấp xã.
Nội dung chính của đợt kiểm tra là việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 10.11.2015 của UBND tỉnh. Bên cạnh các kết quả đạt được, đoàn kiểm tra của tỉnh đã ghi nhận nhiều tồn tại, hạn chế.
Đoàn kiểm tra xem xét hồ sơ TTHC trên lĩnh vực LĐ-TB&XH tại UBND phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn).
“Một cửa” nhưng “nhiều khóa”
Một hạn chế phổ biến là việc thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức. Phòng làm việc của bộ phận một cửa tại UBND xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn), UBND phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn)… chưa đảm bảo diện tích, thiết kế cũng như trang thiết bị phục vụ theo quy định. Thậm chí, nhiều địa phương chưa thể bố trí được phòng làm việc cho bộ phận một cửa, như UBND thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), UBND xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn)…
Hạn chế tối đa việc tổ chức và công dân đi lại nhiều lần
Ngày 10.10, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã ký ban hành văn bản về việc rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ về cải cách hành chính và các nội dung triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh việc giải quyết TTHC; thực hiện hướng dẫn đầy đủ việc giải quyết TTHC cho tổ chức và công dân nhằm hạn chế tối đa việc tổ chức và công dân đi lại nhiều lần. Ðồng thời, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC, quá hạn trong giải quyết TTHC. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và tự đặt thêm quy định không có trong văn bản pháp luật.
Nguyên nhân khách quan là tình trạng chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng của trụ sở các UBND cấp xã. “Lực bất tòng tâm, chúng tôi chẳng thể làm gì được với cơ sở vật chất hiện tại. Quý IV.2017, cơ quan hành chính mới của thị trấn sẽ được khởi công xây dựng, khi đó mới có thể thay đổi được”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Quan Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ.
Cùng với đó, việc niêm yết công khai các TTHC vẫn chưa đảm bảo, còn hình thức, thiếu thông tin hoặc cập nhật không kịp thời... “Đây cũng là tình trạng chung của không ít cơ quan, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giải quyết công việc cho người dân”, ông Nguyễn Thanh Vũ, Quyền Trưởng phòng cải cách hành chính (Sở Nội vụ) nhận định.
Bên cạnh đó, tại UBND phường Đập Đá (TX An Nhơn), Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn)…, một số TTHC còn tiếp nhận và giải quyết tại các bộ phận chuyên môn thuộc các phòng khác nhau, không qua bộ phận một cửa. Về hạn chế này, Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân Nguyễn Thị Tường Vy lý giải: “Cán bộ được phân công đảm trách lĩnh vực kiểm soát TTHC còn phải thực hiện nhiều công việc, kể cả việc chuyên môn nên việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chưa được kịp thời, tập trung tại bộ phận một cửa”. Về vấn đề này, các thành viên của đoàn kiểm tra đề nghị lãnh đạo phường xem lại cách bố trí công việc, tăng cường phối hợp giữa các cán bộ chuyên môn, đảm bảo tất cả các TTHC phải được tiếp nhận và trả tại bộ phận một cửa.
Vừa kiểm tra vừa hướng dẫn
Bên cạnh các địa phương mới, đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh cũng quay lại những nơi đã được kiểm tra trước đó. Nhận định chung là các địa phương đã phần nào khắc phục được những hạn chế đã được chỉ rõ trong lần kiểm tra trước. Điển hình là UBND phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), bộ phận một cửa được bố trí ngay cổng ra vào, niêm yết đầy đủ TTHC, nơi tiếp nhận có ghế ngồi lịch sự, bàn viết cho người dân, còn lắp cả điều hòa nhiệt độ.
Vẫn còn tình trạng tự đặt thêm giấy tờ
Một điểm đáng chú ý, đoàn kiểm tra phát hiện một số ít địa phương tự ý yêu cầu người dân phải bổ sung hoặc đặt thêm hồ sơ, giấy tờ không có trong quy định của pháp luật, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Chẳng hạn, tại UBND phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), hồ sơ TTHC trên lĩnh vực LÐ-TB&XH còn yêu cầu có CMND, hộ khẩu là không đúng quy định. Ðoàn kiểm tra đã nhắc nhở và đề nghị chấn chỉnh ngay.
Tuy nhiên, cũng tại bộ phận một cửa của UBND phường Nhơn Bình, công tác thống kê, theo dõi TTHC thực hiện chưa được bài bản, nghiêm túc. Riêng lĩnh vực địa chính - xây dựng và môi trường, lượng hồ sơ phát sinh rất lớn, nhưng không có sổ theo dõi cụ thể, chính xác. Đây là một trong những hạn chế mà bà Trần Thị Thu Lượng - Phó Trưởng phòng cải cách hành chính (Sở Nội vụ) rất quan tâm và yêu cầu các cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải hết sức lưu ý tuân thủ. “Ngoài ra, nhiều người không chú ý lập phiếu hẹn trả kết quả, không lưu lại chữ ký của người nhận hồ sơ. Cách làm này rất nguy hiểm, chúng tôi phải hướng dẫn cụ thể để cán bộ cơ sở thực hiện nghiêm quy định này để tránh rủi ro không đáng có”, bà Lượng nói.
Cũng với phương châm vừa kiểm tra vừa hướng dẫn, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT-TT) Nguyễn Văn Bình đã chỉ ra những hạn chế trên lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, khi các địa phương mới dừng lại ở việc triển khai phần mềm Idesk tại bộ phận văn thư để tiếp nhận văn bản đến, chưa triển khai đồng bộ cho tất cả cán bộ, công chức. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương khắc phục khó khăn để triển khai xử lý văn bản trên phần mềm điện tử; sử dụng rộng rãi và hiệu quả thư điện tử công vụ trong trao đổi và giải quyết công việc chuyên môn để nâng cao tính bảo mật.
NGUYỄN VĂN TRANG
Cần nghiêm túc xin lỗi người dân khi trễ hẹn
Ðó là khẳng định của Quyền Trưởng phòng cải cách hành chính (Sở Nội vụ) Nguyễn Thanh Vũ trước tình trạng một số địa phương, đơn vị còn “lơ là” trong nghĩa vụ thực hiện xin lỗi bằng văn bản khi chậm giải quyết TTHC cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Vũ kiểm tra TTHC được niêm yết tại bộ phận một cửa UBND phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
● Xin ông cho biết cụ thể về quy định xin lỗi người dân khi trễ hẹn trong quá trình CCHC ở cơ sở?
- Việc cơ quan hành chính Nhà nước phải thực hiện xin lỗi bằng văn bản khi chậm giải quyết các TTHC cho người dân, tổ chức đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 10.11.2015 của UBND tỉnh. Việc làm này không những nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc giải quyết các thủ tục hành chính mà còn tạo sự hài lòng, thể hiện tinh thần đổi mới lề lối, phong cách làm việc của cán bộ công chức, nâng cao sự hài lòng, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền. Triển khai tốt quy định này sẽ khắc phục tình trạng trễ hẹn với người dân, việc phục vụ người dân chắc chắn sẽ có tiến bộ.
● Tuy nhiên, qua hoạt động kiểm tra CCHC đợt 2 năm 2017, việc thực hiện xin lỗi người dân khi trễ hẹn chưa được quan tâm đúng mức, nơi làm nơi không. Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
- Trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ, bổn phận của mình khi giải quyết công việc. Mặt khác, lãnh đạo cơ quan, đơn vị mà trực tiếp là người đứng đầu vẫn chưa thật sự quan tâm, sâu sát, chưa xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức chậm trễ trong giải quyết công việc hoặc có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực; chưa coi đây là yêu cầu bắt buộc, là hành động thể hiện thái độ cầu thị đối với lỗi khi chậm thực hiện giải quyết các TTHC cho người dân.
Hệ quả là người dân sẽ cảm thấy không hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ công của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của tổ chức, chính quyền. Do đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu trong thời gian đến, lãnh đạo các địa phương, đơn vị phải thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân đối với các TTHC bị trễ hẹn theo quy định.
● Xin cảm ơn ông.
MAI LÂM (Thực hiện)
Hãy đóng vai một người dân đến phường làm các thủ tục thì sẽ rõ mọi việc.