Bệnh bụi phổi silic: Biết rồi vẫn cứ phải cảnh báo
Bệnh bụi phổi silic là tình trạng phổi xơ hóa lan tỏa do hít phải bụi chứa silic tự do (SiO2) như thạch anh, cát, granite (60% silic), đá… Ðây là bệnh mạn tính, tiến triển và không thể hồi phục, thường xuất hiện sau khoảng thời gian từ 5 - 10 năm tiếp xúc với bụi ở nồng độ cao.
Môi trường lao động nhiều bụi là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh bụi phổi silic.
- Trong ảnh: Công nhân khoan đá tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ môi trường lao động kém an toàn
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, hiện có khoảng 5.000 công nhân đang làm việc trong môi trường ô nhiễm bụi silic. Bên cạnh đó, còn có một số lượng lớn lao động hợp đồng theo mùa vụ, lao động khai thác đá tự do (đông hơn rất nhiều lần so với con số được thống kê báo cáo). Chính tại các cơ sở nhỏ, tư nhân này, công tác chăm sóc y tế, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân chưa được quan tâm đúng mức, ý thức tự bảo vệ sức khỏe của công nhân thấp, làm cho bệnh bụi phổi silic dễ dàng phát sinh và phát triển.
Tỉ lệ mắc bệnh bụi phổi silic cao nhất là ở công nhân vệ sinh công nghiệp (71,4%), các vị trí nghề nghiệp khác có tỉ lệ mắc thấp hơn từ 33,3% đến 57,1%.
Công nhân khoan, chẻ đá, sản xuất gạch có tỉ lệ mắc bệnh bụi phổi silic từ 33,3% đến 39,6%; công nhân có tuổi nghề dưới 5 năm tỉ lệ mắc bệnh là 19%; công nhân có tuổi nghề từ 5 - 10 năm tỉ lệ mắc bệnh là 40%; công nhân có tuổi nghề từ 10 - 20 năm tỉ lệ mắc bệnh là 50,9%; công nhân có tuổi nghề trên 20 năm tỉ lệ mắc bệnh là 60%.
Ở giai đoạn khởi phát thì bệnh thường không có triệu chứng. Bệnh chỉ được phát hiện qua chụp X - quang khi người lao động đi khám sức khỏe định kỳ hoặc vì một lý do gì khác. Ở giai đoạn kế tiếp, bệnh nhân sẽ có triệu chứng khó thở khi gắng sức. Càng về sau, người bệnh sẽ thấy khó thở thường xuyên, ngay cả khi nghỉ ngơi. Bệnh bụi phổi silic dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy hô hấp, suy tim phải… Đồng thời, bệnh làm cho bệnh nhân dễ mắc lao phối hợp, viêm phổi, nấm.
Kết quả công trình nghiên cứu “Tình hình bệnh bụi phổi silic tại một số cơ sở khai thác, chế biến đá và sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Bình Định năm 2016” do thạc sĩ Trình Công Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh, làm chủ nhiệm, cho thấy: tỉ lệ mắc bệnh bụi phổi silic ở công nhân nam cao gấp 1,5 lần tỉ lệ mắc bệnh này ở công nhân nữ; tỉ lệ mắc bệnh tăng tỉ lệ thuận với tuổi nghề.
Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm
Theo số liệu thống kê của Trung tâm YTDP tỉnh về hoạt động khám phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, đến nay cả tỉnh đã phát hiện được 459 trường hợp mắc bệnh. Bệnh bụi phổi silic hiện chưa có phương pháp và thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp phòng bệnh vẫn được đặt ra hàng đầu.
Trong công tác phòng bệnh, cần tăng cường tuyên truyền cho công nhân về bệnh bụi phổi silic và cách phòng tránh; trang bị cho công nhân phương tiện bảo hộ lao động; cải thiện tình trạng ô nhiễm trong môi trường lao động. Tổ chức khám phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh bụi phổi silic cho công nhân khai thác, chế biến đá và sản xuất vật liệu xây dựng là việc rất cần thiết hiện nay.
Theo số liệu thống kê từ Viện giám định Y khoa, từ năm 2011 - 2014 Bình Định đã khám giám định cho 109 trường hợp bệnh bụi phổi silic do Trung tâm YTDP tỉnh khám sàng lọc. Tuy nhiên, số người mắc bệnh trên thực tế còn cao hơn nhiều vì hệ thống khám phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp của tỉnh chưa được tổ chức một cách thường xuyên và đồng bộ. Tỉnh chỉ mới triển khai việc khám bệnh nghề nghiệp cho một số cơ sở trọng điểm.
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp khai thác đá, sản xuất vật liệu trên địa bàn tỉnh đều sử dụng công nghệ cũ, nên chắc chắn có tình trạng ô nhiễm bụi trong môi trường lao động. Công nhân lao động buộc phải dùng khẩu trang và các phương tiện bảo hộ để đề phòng bệnh bụi phổi silic. Thạc sĩ Trình Công Tuấn cho biết: “Trên thực tế, việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động ở các doanh nghiệp chủ yếu mang tính đối phó nên khó phát hiện bệnh. Việc khám để phát hiện sớm khi còn ở thể nhẹ giúp khả năng điều trị đạt hiệu quả cao hơn cho bệnh nhân”.
LÊ CƯỜNG