Siết chặt mở ngành đào tạo
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 22 về điều kiện mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học (ĐH).
So với Thông tư 08 trước đây, Thông tư 22 có nhiều quy định mới, quy định điều kiện rõ ràng và thậm chí là rất cao mà nhiều trường khó đạt. Điều này cho thấy quyết tâm của Bộ GD-ĐT để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Không chỉ các ngành mới, những ngành học cũ cũng được gia hạn 2 năm để đáp ứng theo điều kiện của Thông tư 22
Tăng điều kiện về giảng viên
Điểm nhấn của Thông tư 22 so với Thông tư 08 không chỉ là quy định rõ ràng, cụ thể đối với từng nhóm ngành mà tăng độ khó ở các điều kiện lên nhiều lần.
Thông tư 08 chỉ quy định chung chung: Có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.
Còn Thông tư 22 quy định các ngành nói chung (không phải là các ngành đặc thù) phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo. Trong đó, có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.
Đối với những ngành thuộc nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài (trừ các ngành ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc) phải có ít nhất 6 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 1 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.
Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể như ngành Y đa khoa: mỗi môn học phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu, trong đó có ít nhất 9 tiến sĩ; ngành Y học cổ truyền: mỗi môn học phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu, trong đó có ít nhất 6 tiến sĩ; ngành Răng - hàm - mặt, ngành Y học dự phòng: mỗi môn học phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu và trong đó có ít nhất 7 tiến sĩ; ngành Dược học: mỗi môn học phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu và trong đó có ít nhất 5 tiến sĩ.
Đối với ngành đăng ký đào tạo thuộc nhóm ngành nghệ thuật, phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu cùng ngành hoặc ngành gần, trong đó phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo. Những ngành chưa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam, có thể thay tiến sĩ bằng nghệ sĩ nhân dân và thay thạc sĩ bằng nghệ sĩ ưu tú.
Phải có cơ sở vật chất
Về điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng được quy định cụ thể cho từng nhóm ngành chứ không theo kiểu chung chung như trước đây. Trong đó, nhóm ngành sức khỏe được quy định chặt chẽ và chi tiết hơn Thông tư 08.
Thông tư 22 quy định: Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, điều kiện về cơ sở thực hành ngoài cơ sở đào tạo được thực hiện theo các quy định hiện hành; quy định danh mục các phòng thực hành phải có tại cơ sở đào tạo đối với một số ngành đặc thù như Y đa khoa, Y học cổ truyền, Răng - hàm - mặt, Y học dự phòng, Dược học, Điều dưỡng.
Các trường phải có thư viện, thư viện điện tử, đảm bảo việc hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên. Trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo phải được cập nhật thường xuyên, công bố công khai cam kết chất lượng giáo dục và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Công khai danh sách đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng, sinh viên trúng tuyển, tốt nghiệp và được cấp bằng hàng năm theo các khóa học, ngành học (trừ các ngành phải bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật). Công khai mức thu học phí và chi phí đào tạo của cơ sở đào tạo.
Công khai chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo của các ngành đang tổ chức đào tạo. Ngoài ra, chương trình đào tạo và đề cương chi tiết các học phần của ngành đăng ký đào tạo được xây dựng đảm bảo chuẩn đầu ra, phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Ngoài những quy định của Thông tư 08, Thông tư 22 bổ sung thêm các điều kiện đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây: Tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép tổ chức hoạt động đào tạo, không đáp ứng các điều kiện về mở ngành đào tạo theo thông tư này đối với những ngành đã được mở theo Thông tư 08.
Đối với những ngành đào tạo đang triển khai thực hiện, trong thời hạn 2 năm, kể từ khi Thông tư 22 có hiệu lực, các trường phải rà soát, bổ sung các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của Thông tư 22.
Đối với những ngành mới, sau 2 khóa tốt nghiệp, cơ sở đào tạo phải tổ chức đánh giá chương trình đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo, việc làm của người học sau khi đào tạo, ý kiến của người sử dụng lao động về chương trình đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để làm cơ sở đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tiếp tục đào tạo và bổ sung tên ngành mới vào danh mục đào tạo.
Theo THANH HÙNG (SGGP)