Một tấm lòng với tuồng (*)
Ðến nay, vẫn chưa có cuốn sách nào riêng về tuồng xuân nữ - thể loại tuy ra đời muộn nhưng nhanh chóng thu hút và có sức sống mạnh mẽ. “Tuồng xuân nữ” của tác giả Nguyễn Gia Thiện, NXB Sân Khấu xuất bản (3.2017), thuộc sách Nhà nước đặt hàng, có thể làm vơi khoảng trống đó…
Hết sức thận trọng, tác giả NSƯT Nguyễn Gia Thiện tâm sự: “Vai trò của tuồng xuân nữ đã rõ ràng như thế nhưng từ trước đến nay, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy dòng tuồng này chưa được chú trọng, còn bỏ ngỏ. Ðiều đó khiến tôi luôn trăn trở. Không thể mãi ngóng đợi, cậy hẳn vào giới nghiên cứu, nên tôi dẫu không chuyên về mảng này, dẫu biết có thể chủ quan và sơ lược, vẫn mạnh dạn, tâm huyết thực hiện cuốn sách!”.
Tuồng xuân nữ còn có tên gọi khác là tuồng tiểu thuyết, một tên gọi khác nữa ít phổ biến hơn là tuồng tân thời. Riêng với “tuồng xuân nữ”, cách gọi này nhấn mạnh đến phương diện sử dụng làn điệu hát của dòng tuồng này, một làn điệu đặc trưng không hề có trong tuồng cổ. Ðặc điểm nổi bật của làn điệu này là chất trữ tình, ngọt ngào, mướt mát.
Tuồng xuân nữ ra đời vào những năm 30 của thế kỷ XX, khi thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng nghệ thuật chịu tác động mạnh của chủ nghĩa lãng mạn cùng nhiều trào lưu, phương pháp sáng tác. Trước sức ép cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật thịnh hành thời bấy giờ như cải lương, kịch nói…, nghệ thuật tuồng phong cách truyền thống, tuồng cổ lâm vào khó khăn. Sự ra đời của tuồng xuân nữ là kết quả tất yếu của tiến trình vận động và phát triển của nghệ thuật tuồng.
Khác với tuồng cổ, tuồng xuân nữ chủ yếu khai thác khía cạnh con người cá nhân, đề cao cái tôi, gần gũi và mang hơi thở cuộc sống, phổ biến nhất là đề tài tình yêu đôi lứa. Trong đó, nhiều vở lấy tích truyện, phóng tác từ phương Tây, Trung Hoa hoặc sáng tác, hư cấu. Ðiểm chung là lấy làn điệu chủ đạo là xuân nữ để chuyển tải, diễn tả.
Ðội ngũ sáng tác tuồng xuân nữ ở giai đoạn mới ra đời gồm 2 nhóm, là những cây bút đương thời và lực lượng “con trong nghề” - là những nhạc công, diễn viên tuồng. Trong số này, đáng kể nhất là Tống Phước Phổ, với các vở như Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Mạnh Lệ Quân, Lục Vân Tiên…
Tuồng xuân nữ kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của nghệ thuật tuồng cổ và tiếp thu những cái hay, đẹp, độc đáo từ một số loại hình nghệ thuật khác, đem lại cảm xúc mới lạ, hấp dẫn; trở thành một thể loại của nghệ thuật tuồng nói chung, góp phần giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật này.
SAO LY
* Đọc “Tuồng xuân nữ” của Nguyễn Gia Thiện, NXB Sân khấu xuất bản (3.2017)