Kiên cố hóa kênh mương nội đồng tại xã Phước Thắng (Tuy Phước): Làm chưa xong đã hỏng
Một đoạn tường bê tông xi măng thuộc tuyến mương cống Bà Tiên (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) bị sập hoàn toàn chỉ sau khi đổ bê tông khoảng 20 ngày. Ðiều này khiến dư luận địa phương đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng tuyến mương.
Khoảng giữa tháng 9.2017, xã Phước Thắng triển khai xây dựng công trình kiên cố hóa tuyến mương từ cống Bà Tiên đến mương ngang đội 6 (thuộc thôn Lương Bình). Theo hồ sơ kỹ thuật, tuyến mương có kết cấu bê tông xi măng, tổng chiều dài trên 868 m, rộng 0,6 m, cao 0,8 m, bản đáy và tường dày 15cm. Công trình do UBND xã Phước Thắng làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 1,16 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 310 triệu đồng, huyện Tuy Phước hỗ trợ 215 triệu đồng, ngân sách xã và vốn góp của HTXNN Phước Thắng hơn 641 triệu đồng. Tuyến mương phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 120 ha đất sản xuất lúa tại 3 thôn Lương Bình, Phổ Đồng và An Lợi.
Một đoạn tường thuộc tuyến mương cống Bà Tiên bị sập sau khi đổ bê tông khoảng 20 ngày.
Tính đến ngày 12.10, lực lượng thi công đã đổ bê tông được khoảng 150 m chiều dài tuyến mương (gồm đổ bê tông bản đáy và 2 bên tường). Trong lúc công nhân tiếp tục làm thì một đoạn tường mương dài khoảng 30 m, sau khi được đổ bê tông khoảng 20 ngày bị sập hoàn toàn. Điều này khiến người dân địa phương đặt nghi vấn về chất lượng công trình và năng lực của đội thi công.
Một người dân (đề nghị không nêu tên) ở thôn Lương Bình, thắc mắc: “Thi công mương thủy lợi nhưng xã chọn thợ “tay ngang”, không có kỹ thuật chuyên môn như vậy liệu có đảm bảo? Sau khi hoàn thành, việc tưới, tiêu nước bị trục trặc thì ai chịu trách nhiệm?”.
Chiều 13.10, PV Báo Bình Định liên hệ với ông Lưu Thanh Bình, trú thôn Lương Bình, người đứng ra ký hợp đồng với UBND xã Phước Thắng thi công tuyến mương để tìm hiểu nguyên nhân sự cố. Trả lời PV, ông Bình lúc thì khẳng định không phụ trách thi công, lúc lại thừa nhận có ký hợp đồng với xã. Khi chúng tôi đề nghị cho xem hợp đồng thi công thì ông Bình trả lời: “Hợp đồng UBND xã giữ chứ tui không có”.
Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: Tuyến mương từ cống Bà Tiên đến mương ngang đội 6 được thực hiện theo cơ chế đặc thù đối với công trình xây dựng nông thôn mới; đã hoàn chỉnh hồ sơ từ năm 2016, nhưng do lũ lụt nên phải qua năm 2017 mới thi công. Là công trình thuộc cơ chế đặc thù (tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế mẫu do UBND tỉnh ban hành) nên UBND xã ký hợp đồng với ông Bình để ông đảm nhận việc thi công. Do bên thi công không làm thanh giằng giữa hai bên tường mương nên khi bị nước và lớp đất bên ngoài tạo áp lực thì một bên tường của mương bị sập. UBND xã đã yêu cầu bên thi công nhanh chóng khắc phục và chịu toàn bộ khoản kinh phí này.
Khi chúng tôi đề nghị ông Công cung cấp hợp đồng thi công mà UBND xã Phước Thắng ký với ông Bình để tìm hiểu một số nội dung có liên quan, lúc đầu ông Công đồng ý cung cấp, nhưng sau đó trả lời: “Hợp đồng nằm trong máy tính của cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi, do máy in kết nối với máy tính bị hư nên không in ra được”.
Sự việc cho thấy UBND xã Phước Thắng và các ngành chức năng liên quan của huyện Tuy Phước cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thi công tuyến mương cống Bà Tiên để đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả.
VĂN LỰC