Bộ GD-ĐT lý giải về tranh luận cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa
Trong SGK có những nội dung vượt quá chương trình nên Bộ GD-ĐT mới yêu tinh giản nội dung vượt quá mức độ cần đạt của chương trình.
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản để dạy và học phù hợp thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường.
Một trong những nội dung đang gây ra sự tranh luận là Bộ GD-ĐT yêu cầu, các trường không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK.
Quy định này đang gây ra những tranh luận trái chiều vì cho rằng, trong khi Bộ GD-ĐT đang đổi mới thi cử với nhiều hình thức khác nhau với yêu cầu học sinh phải nắm được những kiến thức mở rộng ngoài SGK thì quy định tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK sẽ khiến giáo viên, học sinh không biết sẽ phải giảng dạy, học tập như thế nào.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT.
Việc Bộ GD-ĐT quy định không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa đang khiến dư luận xã hội quan tâm
Không dạy những nội dung ngoài SGK để giảm áp lực cho học sinh
PV: Hiện nay dư luận đang có ý kiến tranh luận xung quanh việc cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa trong công văn chỉ đạo mới đây của Bộ GD-ĐT. Ông có ý kiến như thế nào về việc này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03 tháng 10/2017 Bộ hướng dẫn: "Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa;".
Do sách giáo khoa cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh thêm yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bộ cũng yêu cầu "bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu", nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong sách giáo khoa. Tuy nhiên việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.
Trong quá trình tập huấn triển khai sắp tới, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc này để các nhà trường, giáo viên, học sinh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.
PV: Ông có thể cho biết, mục đích của việc tinh giản những nội dung dạy học vượt quá kiến thức của chương trình?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Ngày 01 tháng 9 năm 2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1.9.2011 về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông để phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá; đổi mới quản lý dạy học trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện các giải pháp nhằm tinh giảm nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành ở một số nơi chưa thực hiện triệt để và đạt được hiệu quả mong muốn.
Nhằm tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, hiệu quả, định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH nhằm tiếp tục hướng dẫn các nhà trường sắp xếp lại nội dung dạy học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực; tiết kiệm thời gian dành cho học sinh vận dụng kiến thức để phát triển các kỹ năng; khắc phục tình trạng dạy học quá nặng về nội dung kiến thức, gây quá tải cho học sinh, góp phần hạn chế học thêm, dạy thêm; đồng thời cũng chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước tiếp cận phương thức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giáo viên chỉ cần dạy học đáp ứng đúng mức độ cần đạt của kiến thức, kỹ năng
PV: Hiện nay, giáo viên đang rất băn khoăn về việc dạy học nên như thế nào để vừa không gây áp lực cho học sinh nhưng vẫn đáp ứng được việc đổi mới thi cử khi mà trong những năm gần đây, nhiều bài thi yêu cầu học sinh phải nắm được những kiến thức mở rộng ngoài chương trình SGK, trong khi Bộ yêu cầu không được dạy những nội dung ngoài SGK. Ông có ý kiến gì về những lo lắng trên?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, việc đưa những thông tin ngoài sách giáo khoa vào dạy học và kiểm tra đánh giá chính là thực hiện yêu cầu vận dụng kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa vào thực tiễn, từng bước hình thành phẩm chất và năng lực học sinh. Điều này Bộ GDĐT đã hướng dẫn tại Công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH ngày 30 tháng 2 năm 2010 về việc xây dựng ma trận đề thi, kiểm tra theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dung và vận dụng cao. Dạy học đúng mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình chính là định hướng mà Bộ GDĐT đã chỉ đạo trong những năm gần đây.
Việc đánh giá học sinh là một quá trình
PV: Việc đánh giá, tổ chức thi cử khi giảm tải kiến thức trong sách giáo khoa sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Những nội dung kiến thức cụ thể cần tinh giản đối với từng môn học và hoạt động giáo dục đã được Bộ hướng dẫn cụ thể từ năm 2011 tại Công văn số 5842/BGDĐT- GDTrH ngày 01 tháng 9 năm 2011. Nội dung kiểm tra, thi tuyển sinh đầu cấp, thi THPT quốc gia hẳng năm nằm trong chương trình giáo dục phổ thông và không bao gồm những nội dung đã tinh giản theo công văn hướng dẫn nêu trên. Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH không yêu cầu cắt giảm những nội dung nội dung kiến thức cụ thể nào mà chỉ yêu cầu các nhà trường, giáo viên và học sinh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không gây quá tải cho thầy và trò, giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, có thêm điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá để thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Khi việc dạy học đã đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông thì không ảnh hưởng gì đến việc kiểm tra và thi của học sinh.
PV: Việc rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành sẽ được Bộ GDĐT hướng dẫn cụ tới từng trường học như thế nào khi mà số lượng giáo viên quá lớn, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Việc rà soát, sắp xếp lại nội dung dạy học để xây dựng thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên trong các nhà trường. Vấn đề này, Bộ đã có các văn bản hướng dẫn, đồng thời tập huấn để giáo viên các trường phổ thông thực hiện trong nhiều năm qua (Công văn 3535/BGDĐT-GDTrH ngày 27 tháng 5 năm 2013; Công văn số 791/HD-BGDĐT ngày 25 tháng 6 năm 2013; Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08 tháng 10 năm 2014). Qua theo dõi thì hầu hết các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông đều đã nắm được và thực hiện tích cực, có kết quả.
Để tiếp tục triển khai mở rộng chủ trương này, đồng thời với việc ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH, Bộ đã và đang tiếp tục biên soạn tài liệu hướng dẫn; tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến trên mạng “Trường học kết nối” và tập huấn trực tiếp cho đội ngũ giáo viên cốt cán để về tập huấn mở rộng tại các địa phương. Đồng thời, Bộ đã và đang tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới sinh hoạt chuyên môn thông qua nghiên cứu, phân tích bài học, tham gia xây dựng và thảo luận các chuyên đề dạy học thông qua trang mạng “Trường học kết nối” để thực hiện tốt Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH,… Qua nhiều biện pháp đồng bộ như vậy, đội ngũ giáo viên phổ thông sẽ nắm vững và thực hiện tốt những hướng dẫn của Bộ vừa qua.
PV: Trong thời gian tới, Bộ sẽ có những giải pháp quản lý như thế nào đề chủ trương này của Bộ được thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chủ Công văn Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các sở/phòng giáo dục và đào tạo theo dõi, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục phổ thông; thực hiện việc chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường; tập trung chỉ đạo các nhà trường đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn; tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn trên mạng “Trường học kết nối”.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học, giáo dục của các nhà trường theo quy định hiện hành; có hình thức biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai các quy định về thực hiện chương trình; dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Bích Lan (VOV)