Dưới tán dừa Tam Quan
Ở Hoài Nhơn có nhiều địa phương trồng dừa, song nhiều nhất là vùng Tam Quan, nên gọi chung là dừa Tam Quan. Từ bao đời nay, qua những cung bậc thăng trầm, sản phẩm dừa Tam Quan luôn góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Thảm xơ dừa đi vạn dặm
Tôi vừa chụp được vài pô ảnh, cô công nhân tên Phượng nhoẻn miệng cười tươi: “Em ngồi đây làm việc là được chụp ảnh hoài, nhưng chưa thấy đăng báo”. Phượng nói vui thế, nhưng quả thật nghề dệt thảm xơ dừa đã trở thành thương hiệu của đất Tam Quan Nam - Hoài Nhơn này, là điểm thường đến của các nhà báo, nhà nhiếp ảnh.
Trong phòng trưng bày hiện vật của anh Huỳnh Minh Ngọc, chủ xưởng dệt thảm xơ dừa, có nhiều bằng khen, cờ lưu niệm về các sản phẩm từ dừa. Tôi gọi anh Ngọc là chủ xưởng vì cơ ngơi của anh còn khá khiêm tốn, mặc dù cổng ngoài có đặt tấm biển nhỏ: Công ty TNHH Ngọc Chung. Xưởng có 30 lao động nữ thường xuyên có công việc làm ổn định. Lương ăn theo sản phẩm, bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/ tháng. Công việc ở đây đòi hỏi sự tỉ mẩn, chăm chỉ hơn là sức vóc. Người quay, người kéo sợi rộn ràng một góc trời, dưới rặng dương xanh rì bên bãi biển Tam Quan Nam.
Theo số liệu của UBND huyện Hoài Nhơn, toàn huyện hiện có 3.028 ha dừa; trong đó phần lớn là dừa lấy dầu (dừa ta) có tuổi cây trung bình 10 - 20 năm; dừa uống nước (dừa xiêm) khoảng 150 ha (chiếm 5% diện tích dừa toàn huyện). Năng suất bình quân 40-50 quả/cây/năm, sản lượng 21,2 triệu quả/năm. Dừa ở Hoài Nhơn thu hoạch 2 vụ chính vào tháng 3, tháng 6 và 1 vụ phụ vào tháng 8 Dương lịch.
Về thị trường tiêu thụ: Vỏ dừa phần lớn được tiêu thụ tại địa phương để chế biến cước xơ dừa xuất khẩu sang Trung Quốc và thảm xơ dừa tiêu thụ nội địa, xuất khẩu. Dừa trái đã tách vỏ được tiêu thụ tại thị trường miền Bắc và Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn có thời điểm tiêu thụ tại thị trường miền Nam (Bến Tre) do thời điểm thu hoạch dừa ở Hoài Nhơn và Bến Tre trái vụ nhau. Một phần nhỏ dừa trái khoảng 1 triệu quả (chiếm khoảng 5% sản lượng) được tiêu thụ tại thị trường Hoài Nhơn dùng để làm bánh tráng nước dừa, bánh hồng, dầu dừa... và uống dừa nước (dừa nạo).
NGUYỄN HÂN
Anh Ngọc cho biết, thị trường thảm xơ dừa rải đều ở các địa phương trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên…, và còn xuất khẩu sang các nước Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý…; trong đó thị trường Ba Lan chiếm đến 80% lượng thảm xuất khẩu. Anh Ngọc vừa ở Bến Tre về. Con trai anh đã đi Thái Lan học tập kinh nghiệm, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhìn cung cách làm ăn ở đây, tôi chạnh nghĩ đến nghề của nội tôi xưa. Quên sao được tiếng đập vỏ dừa lách chách của bà dội vào cơn mơ tôi còn ngái ngủ mỗi buổi sáng tinh mơ. Vỏ dừa được ngâm trong lu ba bốn ngày trước cho mềm dễ đập thành sợi. Thằng bé rong chơi dưới rặng dừa xanh ngát, ngắm nhìn bà nối những sợi xơ đựng trên cái rế treo ở cổ, bà đi lòng vòng quanh hai thân cây dừa để tiếp xơ. Nghề thủ công của một thời trông đến khổ sở. Những sợi xơ này bện thành dây neo buộc tàu thuyền, làm sợi dây tơ tình ái buộc đôi tình nhân với gàu sòng tát nước đêm trăng, rồi dệt thảm lót chân. Ngày nay, công nghệ sợi bằng vật liệu nylon đã lấn át dây neo xơ dừa. Nhưng thảm xơ dừa vẫn còn đó, nghề truyền thống quê hương kiêu hãnh với thời gian, làm nên sản phẩm thảm xơ dừa đi vạn dặm.
Làm kẹo dừa, nghề “hot”
Anh Đinh Ràng là chủ xưởng nấu kẹo dừa và là nơi thu mua dừa trái ở Công Thạnh - Tam Quan Bắc. Anh nói với tôi rằng nghề nấu kẹo dừa đang “hot”, tuy ở huyện Hoài Nhơn này chỉ có hai cơ sở thôi. Ở xưởng kẹo của anh, 7 công nhân phụ trách 7 cái chảo gang đang hì hụp làm việc bên bếp lửa nóng như thiêu. Kẹo dừa sấy đến độ chín giòn, có màu vàng sậm, đường như lịm vào trong, gọi là kẹo dừa giòn.
Trò chuyện với tôi, song anh Ràng luôn “nhấp nha nhấp nhỏm” vì khách hàng vô ra liên tục. Công việc bận rộn nhất là thu mua dừa trái. Theo anh, khâu chọn lựa dừa trái là quan trọng vì không để hẹm người lại lỗ mình. Với trái dừa to sọ nhất có giá 7.000 đồng/trái, có thời điểm cao hơn. Cứ thế mà tính xuống theo mức to nhỏ của sọ dừa. Những trái nào lép, điếc đặc, dừa trăng ăn, dù mất nước nhưng cơm dừa rất ngọt, béo ngậy. Những trái như vậy là anh để riêng. Anh nói: “Làm kẹo nhờ là chỗ đầu thừa đuôi thẹo, không bỏ đi đâu. Hàng năm tôi kiếm trăm triệu là chỗ đó, vậy không “hot” thì gọi là gì?”.
Nhà anh chỗ nào cũng thấy dừa, có nơi chất cao tới nóc nhà, lúc vơi rồi lại đầy vì hàng xuất đi liên tục. Như vậy tôi hiểu rằng nghề làm kẹo dừa là phụ, tận dụng những sản phẩm đầu thừa đuôi thẹo. Cao hứng, anh dẫn tôi đến khu trưng bày hàng mỹ nghệ từ dừa dành riêng cho gia đình, nhưng nếu có người nào thích thì anh cũng bán, anh nói đó là thời gian lấp vào khoảng trống, ngơi việc, rảnh rỗi. Nhìn vào đồ mỹ nghệ anh làm cũng khéo, dễ bắt mắt, nhưng muốn trở thành sản phẩm hàng hóa, cần phải có thời gian chuyên tâm tìm tòi, sáng tạo. Anh Ràng khéo tay, anh nói chừng mười năm sau sẽ chuyển sang làm hàng mỹ nghệ. Bây giờ thì sớm quá, anh mới ngoài 40.
Cứu lấy cây dừa
Hai thôn: Cửu Lợi - Tam Quan Nam, Công Thạnh - Tam Quan Bắc là vựa dừa nổi tiếng của đất Bình Định. Theo tôi thì câu ca xưa: Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan là bắt nguồn từ hai nơi này, vì bởi độ phì thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho dừa phát triển. Nhưng hiện nay nhiều hộ ở hai thôn này đã chặt bỏ dừa lấy đất đào ao nuôi tôm. Nhiều cây dừa đào trốc gốc để lấy mặt bằng xây nhà cũng là cách thu hẹp diện tích dừa lại. Rồi có một lúc trước đây, đại nạn tàn phá của bọ cánh cứng làm vườn dừa xơ xác…
Cây dừa Tam Quan đang đứng trước thách thức, đối mặt với nhiều vấn nạn. Nói cách khác, cây dừa đang lận đận. Được biết, UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương lập hồ sơ xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất và sử dụng đất sai mục đích để làm hồ nuôi tôm. Nghe nói chính quyền địa phương cũng đã đưa ra bàn bạc, những hộ chặt dừa đào ao nuôi tôm không nằm trong diện quy hoạch thì đề nghị họ san lấp, chính quyền hỗ trợ dừa con, cấp tiền công để họ chăm sóc. Nhưng biện pháp này chỉ mang tính cách tạm thời, quả thật khó lắm thay!
Thay cho lời kết
Mỗi lần qua thôn Công Thạnh, tôi lại nhớ những ngày xưa… Ngoại tôi có một vườn dừa, mỗi mùa dủ dừa (thu hái dừa, dọn vệ sinh cho cây dừa), tôi thường theo ngoại. Ngoại tính dừa trái bằng thiên, một thiên ngàn rưỡi trái, như ngày nay người ta tính chục dừa là mười lăm nếu hái tại cây. Dừa trong huyện đều tập trung về bến Tam Quan, vì lúc đó giao thông đường thủy là chính, nên có câu ca rằng: Dừa xanh trên bến Tam Quan/Dừa bao nhiêu trái dạ em thương chàng bấy nhiêu.
Nhà ngoại tôi xa vườn, ở bên kia sông, nên ngoại cho một người ở xóm đó vài ba cây dừa, làm nhà để họ ở trông nom. Thời gian đất đổi sao dời, vườn xưa giờ đã thay ngôi đổi chủ. Chủ mới muốn làm giàu nhanh nên chặt dừa đào ao nuôi tôm. Mỗi lần đi qua đây, nhìn vườn dừa còm cõi, già nua, ít được chăm sóc, trồng mới, lòng tôi nao nao quá đỗi. Vườn xưa, người xưa đâu!...
NGUYỄN THANH SƠN
Tác giả nhớ về ngày xưa nhiều quá, đưa hết bà nội ở đoạn đầu rồi đoạn kết lại bà ngoại.
Chính quyền địa phương hãy học hỏi cách làm của người Bến Tre, dọc tuyến đường từ Tiền Giang qua Bến Tre hai bên đường có hàng chục cửa hàng bày bán sản phẩm từ dừa: kẹo dừa, rượu dừa, hàng mỹ nghệ rất đa dạng và đẹp mắt...ở Tam Quan có đặc sản bánh tráng dừa. Nghe nói tỉnh sắp mở tour du lịch từ Quy Nhơn - Sa Huỳnh nếu nghỉ chân vào rừng dừa tam quan để uống nước và mua sản phẩm từ dừa thì tốt biết bao