Kinh tế trang trại: Cần sự hỗ trợ để phát triển
Dù có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp - nông thôn, nhưng có một thực tế là việc phát triển kinh tế trang trại (KTTT) ở tỉnh ta đang gặp khá nhiều khó khăn, do quy mô đất đai sản xuất còn hạn hẹp, vốn đầu tư hạn chế, đầu ra sản phẩm bấp bênh... Do vậy, để KTTT phát triển bền vững, rất cần sự “trợ lực” về mặt chính sách của Nhà nước.
Một trang trại chăn nuôi gà ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Hiệu quả tích cực
Theo Sở NN&PTNT, KTTT trong thời gian qua được xem là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Nhiều địa phương có ưu thế về đất đai, mặt nước, lao động... đã khuyến khích nông dân phát triển KTTT tạo ra giá trị hàng hóa lớn, tập trung, góp phần nâng cao thu nhập, việc làm cho lao động ở nông thôn.
“Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình KTTT đã khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo ra giá trị sản xuất lớn, góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nông thôn”
Ông Tống Nhuệ, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh
Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh cho biết, theo quy định về KTTT tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13.4.2011 của Bộ NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh hiện có 124 trang trại, tăng 40 trang trại so với năm 2015. Chia theo loại hình, có 112 trang trại chăn nuôi (chiếm 90,3%), 7 trang trại lâm nghiệp (chiếm 5,7%), 4 trang trại nuôi trồng thủy sản (chiếm 3,2%), 1 trang trại tổng hợp (chiếm 0,8%). Loại hình sản xuất của trang trại có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, tăng trang trại chăn nuôi; trong đó, huyện Hoài Ân có số trang trại chăn nuôi cao nhất tỉnh với 42 trang trại, tiếp theo là An Nhơn 26 trang trại, Phù Cát 19 trang trại, Hoài Nhơn 12 trang trại, Tây Sơn 10 trang trại...
Tổng doanh thu của 124 trang trại trên địa bàn tỉnh năm 2017 đạt trên 596 tỉ đồng; bình quân mỗi trang trại doanh thu hơn 4,8 tỉ đồng/năm, tăng 291 triệu đồng/trang trại so với năm 2016. Mỗi trang trại giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng trên dưới 5 lao động.
Hoàng Phạm (thực hiện)
Ông Tống Nhuệ, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh, đánh giá: Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình KTTT đã khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo ra giá trị sản xuất lớn, góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều trang trại đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất và có sự tính toán từ sản xuất với thị trường thông qua các hợp đồng sản xuất - tiêu thụ bền vững. Phải nói rằng, phát triển KTTT là xu hướng tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cần sự trợ lực
Ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), cho rằng: Tuy có sự phát triển, nhưng quy mô KTTT ở tỉnh ta hiện nay còn nhỏ, chưa đồng đều ở các vùng, các địa phương. Công tác tổ chức sản xuất còn manh mún, nhiều trang trại do hình thành tự phát, nên tùy tiện trong bố trí sản xuất, các chủ trang trại mạnh ai nấy làm, hoạt động phân tán, thiếu sự liên doanh, liên kết, tương trợ với nhau. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các chủ trang trại nhìn chung còn thấp, chưa đủ để tiếp nhận, quản lý sử dụng những nguồn vốn lớn nhằm tổ chức sản xuất có quy mô lớn. Công tác chuyển giao tiến bộ KHKT, cung cấp giống tốt cho các chủ trang trại tuy được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Do thiếu sự liên doanh, liên kết nên đầu ra cho nông sản thời gian qua còn bấp bênh, các nhà máy chế biến, tiêu thụ nông sản tuy đã có sự quan tâm của một số doanh nghiệp nhưng chưa đồng bộ, còn xảy ra tình trạng nông sản “được mùa mất giá” hoặc “được giá mất mùa”. Phần lớn chủ trang trại còn thiếu hiểu biết về thị trường nên thường lúng túng và chịu thua thiệt khi giá nông sản xuống thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Đặc biệt thời gian vừa qua, những khó khăn khi heo thịt rớt giá, sự tuột dốc về giá của nhiều mặt hàng nông sản khi “cung” vượt “cầu” vẫn còn là bài học đắt giá đối với nông dân.
Ngoài những khó khăn cơ bản trên, vấn đề bức xúc nhất hiện nay của KTTT ở tỉnh ta là vốn đầu tư phát triển sản xuất. Theo khảo sát, gần như toàn bộ các trang trại trên địa bàn tỉnh đều do chủ trang trại tự xoay xở vốn để đầu tư xây dựng và tổ chức sản xuất; hoặc tự lao động xây dựng trong nhiều năm theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Nhiều chủ trang trại than phiền về việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng rất khó khăn do thủ tục nhiêu khê, hoặc không dám vay vốn vì ngại lãi suất cao, thời gian trả nợ ngắn, trong khi giá cả nông sản luôn bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Ông Hồ Xuân Đẩu, một chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (Tuy Phước), cho biết: “Trang trại chăn nuôi của tôi có quy mô 10.000 con gà, mỗi ngày cần ít nhất từ 2-3 triệu đồng để chi phí thức ăn cho gà. Nhưng nói thật lâu nay chúng tôi rất ngại tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng vì thấy có nhiều thủ tục nhiêu khê, ràng buộc. Do vậy, nguồn vốn đầu tư phát triển trang trại chủ yếu là do tự thân vận động, hoặc vay mượn từ người thân, gia đình. Nếu Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại vay vốn, với lãi suất ưu đãi, chắc chắn gia đình tôi sẽ mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất”.
Để KTTT phát triển, ông Tống Nhuệ đề xuất, Nhà nước cần có biện pháp tháo gỡ nút thắt về vốn vay, quy hoạch tổng thể về đất đai, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn mức với các đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để nâng cao quy mô của các đơn vị sản xuất nông nghiệp, nhất là quy mô hộ gia đình. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ về khoa học - công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm..., tạo cơ hội thuận lợi để KTTT phát triển.
NGUYỄN HÂN