Ðất đang tranh chấp vẫn cấp sổ đỏ!
Ðất đang tranh chấp nhưng cán bộ địa chính lại tham mưu cho UBND xã để xã đề nghị UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) cho một trong hai hộ dân đang tranh chấp. Từ sự giải quyết không rõ ràng, thiếu minh bạch của chính quyền cấp cơ sở, dẫn đến người dân khiếu nại, khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm liền.
Thửa đất đang tranh chấp giữa bà Cảnh và ông Khoa.
Gửi đơn đến Báo Bình Định, bà Phan Thị Cảnh (thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), cho biết gia đình bà được cho canh tác trên thửa đất 298 tờ sơ đồ năm 1936, nay là thửa đất 122, tờ bản số 5, với diện tích hơn 740 m2. Nhưng vào năm 2002, khi gia đình bà Cảnh đang canh tác trên thửa đất này thì phát sinh tranh chấp với ông Nguyễn Hữu Khoa (ở cùng địa phương). UBND xã Hoài Hương yêu cầu gia đình bà Cảnh ngừng canh tác trên thửa đất đang phát sinh tranh chấp để chờ giải quyết.
Sau đó, giữa hai bên gia đình được chính quyền địa phương tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Điều bất ngờ, năm 2015, dù thửa đất này vẫn còn đang trong quá trình tranh chấp nhưng cán bộ địa chính lại tham mưu cho UBND xã để xã đề nghị UBND huyện cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Hữu Khoa.
Bà Cảnh bức xúc: “Nhiều lần hòa giải, dù UBND xã Hoài Hương xác định giữa hai bên đều có giấy tờ hợp pháp để sử dụng diện tích đất trên. Tuy nhiên, do đang tranh chấp, năm 2002, UBND xã chưa giao quyền sử dụng đất cho bên nào. Dù đang còn tranh chấp, phía ông Khoa lại ngang nhiên trồng cây bạch đàn, dừa trên thửa đất này. Tôi nhiều lần báo lên chính quyền nhưng chính quyền không xử lý mà lại yêu cầu gia đình tôi không được canh tác. Sự việc chưa được giải quyết thì ông Khoa lại được cấp sổ đỏ của thửa đất này. Mà lẽ ra đất này trong quá trình tranh chấp, không được canh tác, không được cấp giấy tờ gì. Tôi làm đơn gửi lên tòa án để khiếu kiện thì tòa án gửi đơn trả lời diện tích đất này thuộc quản lý của UBND xã nên không thuộc thẩm quyền của tòa. Tôi kiến nghị lên xã, huyện, thì huyện hướng dẫn tôi kiện ra tòa. Họ cứ chỉ lòng vòng nên tôi phải mất khá nhiều thời gian theo đuổi vụ tranh chấp này từ năm 2002 đến nay nhưng chưa có kết quả”.
Ông Hồ Hưởng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Nhơn, lý giải: “Thời điểm cấp sổ đỏ cho ông Khoa, thủ tục là do UBND xã Hoài Hương thực hiện, sau đó huyện chỉ xem xét dựa trên hồ sơ thủ tục của UBND xã gửi lên, nếu đầy đủ theo quy định thì tiến hành thủ tục cấp sổ đỏ đúng quy định. Về việc phát sinh tranh chấp thì UBND xã Hoài Hương hoàn toàn không báo lên cho UBND huyện và cũng không thể hiện trong hồ sơ thủ tục, nếu chúng tôi biết có tranh chấp thì làm sao có thể cấp sổ đỏ cho ông Khoa. Hiện tại, chúng tôi cũng đã hướng dẫn bà Cảnh làm đơn gửi TAND huyện Hoài Nhơn để khởi kiện vụ việc ra tòa, vì chỉ có tòa án mới có thẩm quyền hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứ huyện không có thẩm quyền này. Tuy nhiên, khi bà Cảnh khởi kiện, TAND huyện Hoài Nhơn đình chỉ giải quyết vụ án, vì bà Cảnh lấy trích lục chưa được chỉnh lý từ Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, trong khi bà Cảnh chỉ cần có sổ đỏ huyện cấp cho ông Khoa và biên bản hòa giải không thành cấp cơ sở chứng minh có tranh chấp trước khi cấp sổ đỏ cho ông Khoa là đủ điều kiện để kiện ra tòa”.
Qua vụ việc trên cho thấy, nếu chính quyền cấp xã có sự trao đổi, xin ý kiến từ cấp trên thì không có chuyện cấp sổ đỏ khi đất vẫn đang xảy ra tranh chấp. Và người dân không phải mất thời gian đi khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, phát sinh nhiều sự việc phức tạp.
NGUYỄN KIM