Kiên trung như mẹ Thuận
Dưới những tán dừa già trên quê hương Bình Ðịnh, có những bà mẹ kiên trung, chung thủy đến tận cùng với lựa chọn lý tưởng của mình. Chiến tranh đã lùi xa, ở thời bình, các mẹ vẫn là tấm gương son sắt, biểu tượng của phụ nữ xứ Nẫu.
Bà Thái Thị Thuận (94 tuổi, ở thôn Lương Thọ 1, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn) là một tấm gương như thế, khi vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vừa là thương binh, người có công với cách mạng.
55 năm kể từ ngày chồng con ra đi, mẹ Thuận vẫn kiên cường trong vị trí là một người lính giữa thời chiến, một người phụ nữ giữa đời thường.
“Mình là phụ nữ tiến bộ...”
55 năm về trước, ngày 18.2.1962, tin dữ truyền đến tai bà Thái Thị Thuận. Chồng và con trai vừa tròn 17 tuổi (liệt sĩ Hồ Bụi - cán bộ thu mua lương thực và liệt sĩ Hồ Sum - đội viên đội công tác xã) bị địch bắt. Hai cha con bị tra tấn dã man cho đến lúc chết rồi bị vùi xác tại chợ Cát (thôn Tân Thạnh, xã Hoài Hảo cũ). Người vợ, người mẹ lúc ấy muốn gục ngã. Ngay cả đến nguyện vọng được nhận xác chồng con về chôn cất cũng không thể thực hiện.
“Năm 1962, bà Thuận thoát ly tham gia cách mạng. Biết trước những gian khổ, hiểm nguy, người phụ nữ ấy vẫn không chùn bước”
Chôn giấu nỗi đau vào lòng, nghe theo lời động viên từ đồng đội của chồng, cũng năm 1962, bà Thuận thoát ly tham gia cách mạng. Biết trước những gian khổ, hiểm nguy, người phụ nữ ấy vẫn không chùn bước. Lý giải cho con đường gian truân mình đã lựa chọn thay vì tiếp tục bám giữ quê nhà, làm hậu phương cho tiền tuyến, bà bảo: “Vì mình là phụ nữ tiến bộ. Không đi không được. Ngày đó, phụ nữ chúng tôi nằm lòng những câu thơ này mà mạnh mẽ, dứt khoát thoát ly: “Cụ Hồ đầu bạc xông vô trận tiền/ Chị em mình ngồi đó sao yên?/ Bước vô giành quyền dân chủ lợi chung...”.
Từ năm 1962 đến ngày giải phóng, bà Thuận hòa vào dòng người dũng cảm, dãi dầm giữa những cánh rừng già ở vùng thượng nguồn sông Côn theo từng nhiệm vụ cách mạng giao phó. Trong ký ức của người phụ nữ ở tuổi ngoài 90 này, thời đó, máy bay của kẻ thù mỗi ngày quần đảo trên những cánh rừng liên tục. Bom bi nằm dày trên mặt đất. Cái đói, thiếu thốn bủa vây lấy bộ đội. Vết thương do bom đạn in dày lên thân thể bà. Nặng nề nhất vẫn là vết thương trong một lần bị địch bắt, tra tấn dài ngày. Giấy chứng nhận thương binh của bà ghi rõ, thương tật 51% với vết thương chính là một vết đạn xuyên qua xương sống.
“Sau giải phóng, tôi nằm bệnh viện liên tục, vàng vọt, ốm yếu. Nhưng rồi, cứ như là được chồng con phù hộ, như đã từng thoát chết trong gang tấc giữa những đợt càn quét, tra tấn của địch, tôi khỏe lại và trở về được quê hương. Cha mẹ ruột cho tôi một mảnh đất. Tôi dựng một cái chòi rồi làm ruộng để sinh sống…”, bà Thuận hồi tưởng.
Kiên cường dù ở tuổi nào
Ở tuổi 94, Mẹ Thái Thị Thuận vẫn kiên cường như thời trẻ tuổi. Không có con cháu ruột, người cháu gọi bằng cô và gia đình của ông thường xuyên đi về, thăm và trợ giúp bà. Bà Nguyễn Thị Lưu (53 tuổi), cháu dâu của bà kể: “Tính bà không thích phiền con cháu dù chân đã yếu, mắt đã mờ. Vệ sinh cá nhân, tắm giặt, ăn uống bà vẫn tự làm chứ chẳng để con cháu động tay vào. Bà thường nói: “Tụi bây công việc làm không hết, rảnh đâu mà lo từng li từng tí cho bà già. Khi nào bà yếu, không rục rịch gì nữa thì mới nhờ”. Mỗi ngày, chúng tôi nấu cơm, quét dọn giúp bà. Đêm đến thì cử con cháu ngủ cùng bà”.
Sau giải phóng, chính quyền địa phương tổ chức quy tập hài cốt của con và chồng bà đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Hảo. Đến năm 1987, khi tách xã Hoài Hảo thành 2 xã Hoài Phú và Hoài Hảo, phần mộ của chồng và con bà được về Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Phú, cách nhà không quá một cây số. Khác với thời trẻ, số lần đến nghĩa trang thăm chồng và con của bà bây giờ khá ít ỏi bởi đi lại khó khăn. Nên mỗi lần nghe có người chở đến nghĩa trang, đôi mắt đầy dấu chân chim của bà lộ rõ nét vui mừng.
Bước chân run run, tay bám chặt vào người cháu dâu và cây gậy tre, bà hướng mắt về phía dãy mộ quen thuộc. Đưa tay chậm rãi trên thân mộ được đắp bằng đá hoa cương đen bóng, môi bà run run. Dù mạnh mẽ, kiên cường, song sự ra đi của hai người thân yêu nhất vẫn mãi là vết thương không thể liền sẹo trong lòng bà. Để rồi đến lúc ra về, nét mặt bà lại hiện rõ sự thanh thản, tĩnh lặng.
NGUYỄN MUỘI