Quản lý thủy điện đi đôi với phát triển năng lượng tái tạo
Quản lý hệ thống thủy điện và quy hoạch phát triển năng lượng điện tái tạo là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay, trong bối cảnh sự phát triển của thủy điện thời gian qua còn những hạn chế, bất cập. PV Báo Bình Ðịnh đã trao đổi với tiến sĩ Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, xung quanh vấn đề này.
Theo các nhà khoa học, Việt Nam là nước có tiềm năng khá lớn về thủy điện và năng lượng tái tạo. Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, hiện cả nước có 824 dự án (DA) thủy điện, tổng công suất 24.778 MW, đạt 95,5% về công suất so với tiềm năng kinh tế; với DA thủy điện nhỏ công suất từ 1 - 30 MW, có 714 DA (công suất 7.238 MW) trong quy hoạch.
* Ông đánh giá như thế nào về vai trò của hệ thống thủy điện hiện nay tại Bình Định?
- Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 nhà máy thủy điện, chủ yếu là thủy điện vừa và nhỏ, như: Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn (công suất 66MW); nhà máy Thủy điện Định Bình (9,9MW); nhà máy Thủy điện Trà Xom (20MW); nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn 5 (28MW)… Điều đáng ghi nhận là việc đầu tư xây dựng các DA thủy điện đã thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, điều tiết hợp lý giá điện, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
* Nhưng thực tế hoạt động của các DA thủy điện thời gian qua cũng cho thấy nhiều khó khăn, những bất cập cần giải quyết?
- Một trong những tồn tại, khó khăn là việc sử dụng rất nhiều đất, đặc biệt là đất rừng, để xây dựng các công trình thủy điện. Thống kê bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng khoảng 7,41 ha (trong đó có 0,078 ha đất ở; 0,256 ha đất lúa; 0,808 ha đất màu và 2,726 ha đất rừng)… Đồng thời, quá trình xây dựng còn gây ảnh hưởng công trình giao thông và môi trường. Đáng lo ngại, tình trạng lợi dụng xây dựng các công trình thủy điện để chặt phá rừng và tình trạng xả lũ bừa bãi gây thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du. Mới đây, ngày 14.10.2017, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cảnh báo về “những công trình thủy điện nhỏ, nhưng phá rừng rất lớn”.
Các DA điện mặt trời sẽ là động lực để Bình Định phát triển năng lượng tái tạo.
Đối với Bình Định, việc xây dựng các công trình thủy điện thời gian qua cũng tồn tại những hạn chế. Hàng trăm hecta rừng nguyên sinh có nhiệm vụ phòng hộ đầu nguồn xung yếu đã bị mất. Chẳng hạn, khi xây dựng nhà máy Thủy điện Trà Xom thì đã có 633,7 ha rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) bị mất; còn huyện Tây Sơn thì mất 90 ha rừng đầu nguồn khi xây dựng nhà máy Thủy điện Tiên Thuận…
* Như vậy, đâu là giải pháp mà ngành Công Thương đề ra để phát triển năng lượng tái tạo?
- Trước những tồn tại, khó khăn trên, Bộ Công Thương đã loại bỏ 468 DA thủy điện không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến môi trường. Bộ cũng nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ còn ban hành một số cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời. Đơn cử như với các DA điện mặt trời, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ giá bán điện 9,35 UScents/kWh, với thời hạn của hợp đồng 20 năm; cùng với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi khác như việc mua điện, thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Nhà máy Thủy điện Định Bình đóng góp một lượng điện năng quan trọng đối với Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU
Riêng Bình Định, ngoài 11 DA thủy điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt với công suất 366 MW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương không quy hoạch phát triển mới các DA thủy điện nhỏ tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu:
- Ðối với thủy điện, đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600 MW;
- Ðối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 800 MW, đến năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2030 đạt 6.000 MW.
- Ðối với điện năng lượng mặt trời, đến năm 2020, công suất lắp đặt đạt khoảng 850 MW, đến năm 2025 là 4.000 MW và năm 2030 là 12.000 MW.
UBND tỉnh đã quy hoạch khu vực phong điện nằm trong và ngoài KKT Nhơn Hội và đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 DA công suất 51 MW. Đối với các DA điện mặt trời, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 20 nhà đầu tư đăng ký DA, công suất gần 3.000 MW. UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho DA nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định (công suất 64 MW); thống nhất đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét bổ sung vào Quy hoạch phát triển năng lượng điện mặt trời quốc gia đối với DA điện mặt trời cho DA của Fujiwars, DA Năng lượng điện mặt trời Cát Hiệp (công suất 49,5MW) và nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (công suất 330MW). Bên cạnh đó, còn có một số DA đang được các nhà đầu tư khảo sát như Nhà máy điện mặt trời Mỹ Thắng, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Thành (quy mô công suất 50MW)…
Để góp phần quản lý tốt việc phát triển năng lượng tái tạo, UBND tỉnh đã có chủ trương lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời và Quy hoạch điện gió tỉnh Bình Định đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Hiện, Sở Công Thương đang triển khai các bước liên quan kỹ thuật, dự kiến đến 31.12.2017 sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)