Tác giả Ðoàn Thanh Tâm: Lặng lẽ trong suối nguồn lịch sử
Tác giả Ðoàn Thanh Tâm (Nhà hát Tuồng Ðào Tấn) đã sáng tác, chuyển thể và là đồng tác giả của nhiều kịch bản đề tài về các nhân vật lịch sử của dân tộc. Chàng Lía - kịch bản viết riêng mới nhất của anh - vừa được Nhà hát Tuồng Ðào Tấn khởi công dàn dựng hôm qua (18.10).
Những nhân vật, câu chuyện lịch sử đặc biệt liên quan đến Bình Định, luôn là đề tài trăn trở và ưu tiên trước nhất của tác giả Đoàn Thanh Tâm.
Tác phẩm tốt nghiệp khoa biên kịch - Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội của Đoàn Thanh Tâm (khóa 1996- 2000) là một kịch bản tuồng lịch sử: Nguyễn Hoàng. Kịch bản này, sau đó được Nhà hát Tuồng Đào Tấn dựng thành vở tuồng cùng tên, đạt giải B - giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2002. Danh mục kịch bản của Đoàn Thanh Tâm cứ thế nối dài: Vua điên (về vua Thành Thái), Bông mai đỏ (về anh hùng Mai Xuân Thưởng), Sóng dậy Rạch Gầm (ca ngợi chiến công oanh liệt của quân Tây Sơn và anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ khi đánh bại quân xâm lược Xiêm trong trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785, đồng tác giả với Văn Trọng Hùng) và mới đây nhất là Chàng Lía.
Đoàn Thanh Tâm còn chuyển thể từ kịch bản văn học sang kịch bản tuồng. Với lợi thế từng là diễn viên, anh nắm rõ các làn điệu hát, lại có khiếu về thơ, anh được tham gia chuyển thể nhiều kịch bản, tiêu biểu như: Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Trần Cao Vân, Đi tìm chân chúa, Trời Nam, Khúc ca bi tráng, Nước non cửa Phật… Đoàn Thanh Tâm từng đạt 2 giải Tác giả chuyển thể xuất sắc - với vở Mộng bá vương (năm 2003) và Khúc ca bi tráng (2013). Anh chia sẻ: “Tôi thường xuyên trăn trở, nỗ lực tìm tứ kịch để viết những kịch bản về lịch sử Bình Định. Tuy nhiên, đề tài lịch sử dẫu thú vị nhưng chưa bao giờ dễ để khai thác. Nếu không khéo sẽ rơi vào minh họa, thậm chí làm sai lệch lịch sử…”. Quan điểm trên đã được anh thể hiện nhất quán, đặc biệt là với 2 kịch bản mới nhất - Bông mai đỏ (2013) và Chàng Lía (2017).
Theo kịch bản, Lía có sức khỏe hơn người, giỏi võ nghệ, tốt bụng, vì nghĩa cả mà “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, gầy dựng căn cứ Truông Mây, manh nha về một cuộc khởi nghĩa nhưng rốt cuộc lại thất bại. Chàng Lía còn khai thác vào số phận, bi kịch cá nhân của nhân vật, lý giải về nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa… Đặc biệt, ở kịch bản tuồng, với tình huống sáng tạo hợp lý, Lía được đặt trong cái nhìn nhân văn hơn.
NSND Hoài Huệ, đạo diễn vở Chàng Lía, cho biết, với một đề tài quá quen, tác giả Đoàn Thanh Tâm đã chứng tỏ nội lực sáng tạo khi đưa ra cách nhìn mới rất nhân văn về nhân vật. Bên cạnh đó, các yếu tố kịch khác như sự kiện, tình huống, kịch tính cũng được chọn lựa xây dựng rất tốt, hỗ trợ nhiều cho đạo diễn trong dàn dựng.
SAO LY