Nói không với linh vật ngoại lai cần tiếp tục
Đã có một thời trong các di tích, đền chùa, miếu mạo, thậm chí ngay cả công sở, trường học… đều trưng bày linh vật ngoại lai, xa rời văn hóa và thuần phong mỹ tục của người Việt.
Sự du nhập và xuất hiện của các biểu tượng và linh vật lạ nhiều tới mức, các nhà nghiên cứu phải thốt lên rằng, đó chính là một cuộc “xâm lăng văn hóa”… Tại thời điểm đó, nhờ sự lên tiếng của các nhà nghiên cứu, sự chung tay vào cuộc của cơ quan quản lý và toàn xã hội, “cuộc chiến” với linh vật ngoại lai được chính thức châm ngòi và đã thu được nhiều kết quả khích lệ.
Du nhập kiểu sao chép
Trong tổng kết 3 năm thực hiện Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL (Công văn 2662) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Ninh Bình ngày 17 và 18.10, một lần nữa bức tranh về sự xâm lấn của linh vật ngoại lai được tái hiện.
Linh vật ngoại lai xuất hiện nhiều trong các di tích ở Việt Nam
Trào lưu xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh, khu vui chơi giải trí sao chép mẫu hình của Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản…, đáng lo ngại hơn cả là sự phá vỡ cảnh quan, hủy hoại các di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, sử dụng tùy tiện các sản phẩm biểu tượng xa lạ với văn hóa người Việt, tạo nên hình ảnh văn hóa Việt Nam méo mó sai lạc.
Khá nhiều du khách nước ngoài, kể cả du khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… ngỡ ngàng bởi người Việt Nam lại sử dụng các sản phẩm văn hóa, biểu tượng của một quốc gia khác. Bản sắc văn hóa Việt Nam có nguy cơ bị mờ nhạt, hòa tan vào dòng chảy hội nhập. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hệ lụy tất yếu của thời kỳ hội nhập và không phải giờ sư tử đá ngoại lai mới xuất hiện, mà nó đã âm ỉ và bùng nổ từ nhiều năm trước.
“Cách đây khoảng hơn 10 năm, đã có một phong trào cúng tiến ồ ạt các vật thể lạ vào các chùa chiền, đền miếu... ở nước ta. Tuy vậy, những người quản lý ở các đền, miếu lại thiếu kiến thức để phân biệt được đâu là linh vật ngoại lai, đâu là linh vật thuần Việt. Điều này đã làm dấy lên những quan ngại về một cuộc “xâm lăng, lai căng văn hóa” -PSG-TS- Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cho biết.
Trước tình hình đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm năm 2014 đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL ban hành Công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Sau khi ban hành, văn bản này đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội. Liên tục có nhiều bài viết đưa tin, trao đổi, tỏ thái độ và ý kiến đồng tình ủng hộ chủ trương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đã có những bài viết, trao đổi, phân tích rõ sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, loại bỏ yếu tố lai căng.
Thẩm mỹ và văn hóa truyền thống
Sau ba năm ra đời, văn bản được coi là châm ngòi nổ cuộc chiến với linh vật ngoại lai, việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cúng tiến các biểu tượng, linh vật đã được mọi người nhìn nhận lại một cách cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học.
Tại các địa phương, nhiều di tích bày đặt sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, lư hương đá, các đồ thờ, đồ trang trí không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích đã tự di dời, gỡ bỏ. Không chỉ vậy, một trào lưu tìm hiểu, nghiên cứu về các biểu tượng, linh vật thuần Việt đã hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều diễn đàn như Nhóm Đình làng Việt, Nhóm Linh vật cổ vật truyền thống Việt Nam, Nhóm Chùa Việt, Nhóm Làng Việt Xưa và nay… thành viên là những người yêu di sản, muốn tìm hiểu di sản phát huy và quảng bá văn hóa truyền thống…
Hầu như không còn tình trạng sản xuất, cung tiến, bày đặt, đồ thờ trong di tích. Nhiều người đã tự trang bị kiến thức về lịch sử, thẩm mỹ truyền thống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa theo xu hướng tìm về bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân (có cả cán bộ làm công tác quản lý nhà nước) không biết, không phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai với các sản phẩm truyền thống của Việt Nam.
Thêm nữa, nhiều người dân không biết việc cúng tiến tượng linh vật, đồ thờ vào di tích lịch sử văn hóa mà chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước là vi phạm Luật Di sản văn hóa. Cộng vào đó, nhiều sách giới thiệu hoa văn trang trí, tượng… truyền thống của nước ngoài, đặc biệt của Trung Quốc được phát hành với giá thành rẻ, các nghệ nhân dễ dàng tiếp cận các ấn phẩm này, mua về và lấy mẫu sử dụng để chế tác các sản phẩm của mình. Từ đó, sản phẩm mang yếu tố của nước ngoài được nhân bản và phát triển mạnh… khiến nguy cơ quay trở lại của linh vật ngoại lai vẫn đang hiện hữu.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thì chính những người làm quản lý cần phải tự trang bị thêm kiến thức để phân định rõ ràng giữa lúc làn sóng văn hóa ngoại lai vẫn đang âm ỉ chảy.
Nhà nghiên cứu văn hóa Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng: Việc đưa linh vật ngoại lai, sư tử đá Trung Quốc vào các di tích là sự ngây ngô, không hiểu gì về linh vật, về văn hóa. Việc bê nguyên những con sư tử đá ngoại lai dập khuôn Trung Quốc vào các đền chùa, vốn là những nơi lưu giữ giá trị văn hóa, hồn cốt của dân tộc là điều không thể chấp nhận được, chẳng khác nào một sự xúc phạm, phủ nhận truyền thống. Chỉ cần hiểu việc này, mỗi người dân sẽ tự thấy việc đưa linh vật ngoại lai vào di tích là không hợp lý.
Theo MAI AN (SGGP)