Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng song công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều hạn chế. Ðể khắc phục hiện trạng này, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, đề án, rất cần sự chung tay của cộng đồng.
Tỉ lệ thu gom, xử lý chưa cao, ít bãi chôn lấp hợp vệ sinh
Theo thống kê của Sở TN&MT, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 712 tấn/ngày; trong đó, lượng CTRSH khu vực đô thị khoảng 380 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 332 tấn/ngày. Những địa phương có khối lượng CTRSH cao là: Quy Nhơn (250 tấn/ngày); Tuy Phước (108 tấn/ngày); Tây Sơn (62 tấn/ngày); An Nhơn (60 tấn/ngày)…
Thu gom rác sinh hoạt ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ. Ảnh: XUÂN LỘC
Tuy khối lượng CTRSH khá lớn, song tỉ lệ thu gom trên địa bàn tỉnh chỉ đạt gần 63%. Ngoài một số địa phương có tỉ lệ thu gom CTRSH cao, như TP Quy Nhơn (đạt 99,3%), huyện Tây Sơn (80,6%), Hoài Nhơn (63%), tỉ lệ thu gom CTRSH tại các huyện, thị xã, thị trấn chỉ đạt khoảng 40- 60%. Ở khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa tỉ lệ thu gom CTRSH chỉ đạt khoảng 10 - 20%. Những địa phương có tỉ lệ thu gom CTRSH đạt thấp là: Tuy Phước (18,5%); Hoài Ân (25,2%); Phù Mỹ (29,2%); Vĩnh Thạnh và Vân Canh (30%); An Lão (35%)…
Theo thạc sĩ Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), hiện có khá nhiều hạn chế liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; quy hoạch, xây dựng, vận hành các bãi chôn lấp CTR; xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp CTR; quản lý CTRSH.
Ngoài TP Quy Nhơn có Công ty CP Môi trường đô thị được đầu tư tương đối đầy đủ các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH, các địa phương còn lại hầu như đều thiếu phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH. Công tác thu gom, vận chuyển CTRSH ở các huyện, thị xã còn gây phát sinh ô nhiễm môi trường. Theo Quyết định số 637/QĐ-UBND ngày 27.8.2009 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 15 bãi chôn lấp CTRSH hợp vệ sinh, nhưng hiện mới chỉ có 5 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi rác tạm hoặc bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Ðẩy mạnh xã hội hóa
Trước tình hình trên, đầu tháng 4.2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Ngày 11.9, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND thực hiện NQ 03 của Tỉnh ủy.
Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Thực hiện NQ 03 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 35 của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh lập Đề án “Tăng cường công tác quản lý CTRSH tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Về định hướng, Đề án nêu rõ: Nỗ lực hoàn thiện quy hoạch và từng bước nâng cao tỉ lệ thu gom CTRSH trên địa bàn; xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh trong thời gian qua. Chú trọng đầu tư và đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; chuyển đổi công nghệ chôn lấp sang các công nghệ tiên tiến hơn, thân thiện hơn với môi trường; tăng tỉ lệ CTRSH được phân loại và tái chế, tái sử dụng…
Về mục tiêu, Đề án xác định: Giai đoạn 2017-2020 sẽ phấn đấu mở rộng phạm vi và tăng tỉ lệ thu gom CTRSH ở khu vực thành thị đạt 80%, khu vực nông thôn đạt 50%; xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH tại 50% địa bàn cấp huyện, thị xã và hoạt động xử lý CTRSH tại 20% địa bàn cấp huyện. Giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu mở rộng phạm vi và tăng tỉ lệ thu gom CTRSH ở khu vực thành thị đạt 90%, khu vực nông thôn đạt 70%; xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH tại 100% địa bàn cấp huyện, thị xã và hoạt động xử lý CTRSH tại 70% địa bàn cấp huyện…
Đề án đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và hộ gia đình về vệ sinh môi trường và quản lý CTRSH. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia công tác quản lý CTRSH, trong đó chú trọng vai trò của chính quyền cấp cơ sở (cấp thôn, xã) trong việc tổ chức mạng lưới thu gom CTRSH và vận động nhân dân tham gia mạng lưới thu gom. Đa dạng hóa quy mô và hình thức tổ chức quản lý CTRSH, đồng thời duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước, các HTX, các tổ chức tư nhân, mô hình tự quản… thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Đa dạng hóa loại hình đầu tư cho công tác quản lý CTRSH, khuyến khích sự tham gia của các đơn vị tư nhân, các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài…
VIẾT HIỀN