Phụ nữ nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận
Nhiều nghệ sĩ khi sáng tạo về đề tài người phụ nữ, mức rung động, nhạy cảm hơn bình thường. Các nghệ sĩ Bình Ðịnh không phải là ngoại lệ. Có thể dễ dàng khảo chứng điều này trong thi ca, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc...
Đa dạng góc nhìn nhiếp ảnh
Những người chơi ảnh ở Bình Định, dù chuyên hay không chuyên, đều tìm tòi sáng tạo nhiều tác phẩm về chủ đề người phụ nữ. Cuộc thi và Triển lãm ảnh về phụ nữ Bình Định - lần thứ I (năm 2016), do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội VHNT tỉnh phát động, đã thu hút 40 tác giả gửi đến 320 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm dự thi tập trung đặc tả những vẻ đẹp phụ nữ Bình Định chân thực, sinh động ở nhiều góc máy, sắc độ khác nhau. Trong số này, có 91 tác phẩm được chọn Triển lãm ảnh “Phụ nữ và cuộc sống” và thu hút nhiều người xem.
Tác phẩm Hồn xưa còn vọng của NSNA Đào Tiến Đạt.
Nhiều thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), những người đam mê nhiếp ảnh Bình Định đã có những tác phẩm tốt về đề tài phụ nữ. Điển hình như NSNA Đào Tiến Đạt, anh đeo đuổi mảng đề tài này từ khi mới cầm máy. Chỉ riêng tác phẩm Lo lắng - số 2 của anh đã “gặt” được đến 59 giải thưởng quốc tế, trong đó có nhiều tấm HCV ở đề tài phụ nữ.
Trong chuyến thực tế sáng tác ở Nam Định cách đây 5 năm, NSNA Đào Tiến Đạt đã bấm máy, kịp ghi lại khoảnh khắc mẹ của chủ cơ sở sản xuất lộc bình đang ngồi lặng im, đôi tay còn dính thạch cao, mắt nhìn xa xăm nỗi băn khoăn trước đống hàng tồn kho. Nỗi lo của bà cũng là nỗi lo chung của cả nhiều làng nghề bởi bấy giờ sản xuất đình đốn, hàng hóa làm ra tiêu thụ khó khăn... Kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng. Có lẽ vì thế mà Lo lắng - số 2 nhận được sự đồng cảm của nhiều hội đồng giám khảo quốc tế.
Tác phẩm khác, Hồn xưa còn vọng, được NSNA Đào Tiến Đạt chụp năm 2014, là hình ảnh một người phụ nữ đang ngồi bên khung cửa ở Dinh vua Mèo tại Đồng Văn, Hà Giang. Cô gái trẻ xinh tươi, tràn đầy sức sống, mặc bộ trang phục truyền thống nổi bật giữa những đường nét gấp khúc, mái ngói rêu phong thời gian... Tác phẩm này đến nay đã đạt được 11 giải quốc tế.
“Một nhà thơ trong tỉnh từng nhận xét rằng, ảnh của tôi chủ yếu chụp về người phụ nữ. Tôi cũng không để ý lắm nhưng nghe thế cũng bất ngờ. Đến khi điểm lại tác phẩm của mình, lại thêm một lần bất ngờ nữa. Xin cảm ơn người phụ nữ đã cho tôi sự thăng hoa trong nghệ thuật…”, NSNA Đào Tiến Đạt chia sẻ. Thật ra, Đào Tiến Đạt không phải là trường hợp duy nhất, còn có thể kể đến những NSNA khác, điển hình như: Phạm Văn Chai, Hứa Thiện, Nguyễn Ngọc Tuấn…
Những lời ca về người phụ nữ vĩ đại
Nhiều nhạc sĩ Bình Định đã sáng tác những ca khúc hay về người phụ nữ. Trong đó, có những nhạc sĩ ngợi ca vẻ đẹp tần tảo, hy sinh của người mẹ gắn với lời ru mang đậm nét truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Điệp khúc ru đời mẹ của nhạc sĩ Đào Minh Tâm từng đạt giải tiết mục xuất sắc (do ca sĩ Tương Phùng thể hiện) tại một liên hoan âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 2012. Ca khúc mang âm hưởng dân ca, giàu chất thơ, hình tượng: “Gánh gánh gồng gồng mẹ tôi đi chợ, mẹ tôi đi chợ. Đường dài xa xăm, cổng làng cong cong, đời mẹ long đong long đong... Bóng mẹ dài thăm thẳm hoàng hôn. Giọt mồ hôi, giọt mồ hôi ướt đẫm nụ cười... Bán mưa đồng mua nắng hạ, gánh cả trời sao. Con đường làng, con đường làng thấu hiểu mẹ tôi ngược xuôi...”.
Ca khúc Vẫn lời mẹ ru anh của bác sĩ - nhạc sĩ Phan Long Nhơn (Hoài Nhơn) xuất phát từ tận đáy lòng. Trong một lần về quê ở xã Hoài Sơn, anh lặng người khi gặp cảnh một bà mẹ Việt Nam anh hùng đang nằm võng hát ru... liệt sĩ trước bàn thờ. Ca từ của Phan Long Nhơn có thể nói đã chạm đến góc của trái tim lòng mẹ: “Vẫn còn lời ru mẹ đêm đêm. Vẫn còn lời ru mẹ êm êm. Vọng xa buồn vui đi qua. Vẫn là cánh cò nghiêng chao nôi. Vẫn là tiếng sáo diều lưng đồi. Lời ru mãi theo đời mẹ. Mong thấy con về trong đêm mơ...”.
Thầy giáo - nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) lại có sự liên tưởng thú vị trước hình ảnh đặc trưng của người mẹ người dân tộc thiểu số miền núi địu con lên rẫy. “Người phụ nữ miền núi lên rẫy lao động cực nhọc, tấm lưng có thể ướt đẫm mồ hôi nhưng luôn là “chiếc võng” ru con đong đầy tình mẫu tử...”, anh chia sẻ. Đây là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ sáng tác: “Đong đưa nhịp võng đưa, theo bước chân mẹ lên núi... Thương nhịp trống liên hồi ngực mẹ, như chiêng cồng vọng mãi đâu đây. Nghiêng nghiêng nhịp võng nghiêng, nghiêng bờ vai mẹ gieo hạt giống...” (Theo nhịp võng đưa). Ca khúc truyền được nhiều cảm xúc cho các giọng hát thiếu nhi khi biểu diễn, nên ngày càng lan tỏa đến nhiều người nghe trong những năm qua.
HOÀI THU