Nên biến cải tục đâm trâu
Ở Bình Định, đồng bào Bana, đặc biệt ở huyện Vĩnh Thạnh, thỉnh thoảng cũng thực hiện tục đâm trâu nhằm mục đích tế thần linh, ăn mừng chiến thắng, mừng mùa màng bội thu hay các sự kiện quan trọng khác. Tuy nhiên, tục này ngày càng ít được thực hiện. Hiện nay, ngay cả trong cộng đồng Bana - Kriêm vốn có thực hiện nghi thức đâm trâu, vấn đề nên hay không duy trì tục đâm trâu cũng được thảo luận khá sôi nổi.
Trong xã hội hiện đại, tục đâm trâu dường như không còn phù hợp với tinh thần nhân văn. Vì lẽ, mỗi một thời kỳ, tục đâm trâu lại mang ý nghĩa khác nhau. Nhưng điều quan trọng là lễ tục phải vừa giữ được những nét đẹp truyền thống, vừa phù hợp với đời sống, điều kiện hiện tại.
Năm 2015, khi tái hiện nghi thức đâm trâu trong Lễ hội mừng nhà rông mới của đồng bào Bana Kriêm huyện Vĩnh Thạnh tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII, chúng tôi đã ghi lại một hình ảnh hết sức thú vị. Tất cả phần của nghi thức đều đúng như nghi thức truyền thống, riêng “con trâu” là một con trâu giả (một thanh niên trùm lên người một tấm vải đen lớn tượng trưng cho con trâu, trâu giả cũng có đủ đuôi và sừng gỗ). Nghi thức được thực hiện nghiêm túc và được đồng bào đón nhận nhiệt tình.
Nhiều nghi thức, lễ tục cổ xưa không còn phù hợp với xã hội hiện đại và dần bị chính các thành viên của cộng đồng ấy lược bỏ. Một vài lễ hội ở Việt Nam, do sự phổ quát của thông tin, trong thời đại toàn cầu hóa, đã bị phản đối, không chỉ ở trong nước mà cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng đề nghị loại bỏ hoặc thay đổi, trước tiên là bởi nó nằm ngoài những giá trị nhân văn phổ quát với nhân loại.
Trở lại với tục đâm trâu. Ngày xưa, khi hiến tế con trâu, như đã nói ở trên, con người muốn cầu xin thần linh phù hộ để được khỏe mạnh, buôn làng yên ổn. Ngày nay, trong xã hội tiến bộ, với sức mạnh của khoa học, con người có thể khỏe mạnh, buôn làng có thể yên ổn bởi chính con người, không còn phải cậy đến thần linh. Vậy thần linh có thể tồn tại trong tín ngưỡng như một giá trị tinh thần; còn giá trị văn hóa của tục đâm trâu có thể thay bằng con trâu giả như đồng bào Bana ở huyện Vĩnh Thạnh đã làm. Vì lẽ, nếu coi lễ hội, tục đâm trâu là “văn hóa” thì “con trâu” không phải là yếu tố duy nhất.
ĐÔNG A