Bộ trưởng Nông nghiệp: Chăn nuôi heo giỏi nhưng tiêu thụ kém
Sản lượng chăn nuôi cao nhưng do chỉ giết mổ heo ở lò thủ công rồi bán ra ở chợ truyền thống nên khó tiêu thụ số lượng lớn.
Trăn trở về năng lực tiêu thụ của ngành chăn nuôi heo vừa được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn sáng 20.10.
Tình trạng khủng hoảng thừa cung thịt heo xảy ra hồi tháng 4 theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là do khâu thị trường của ngành này kém.
Ông Cường cho biết, Việt Nam có khoảng gần 200 nông sản xuất khẩu ra thế giới với 185 quốc gia. Con heo từng là biểu tượng của nền kinh tế thời bao cấp, có giá trị lớn với người Việt Nam thời đó.
"Khi cưới con, làm nhà người ta bán heo. Sau 20 năm, từ sản xuất thủ công, Việt Nam trở thành quốc gia có sức sản xuất lớn trong khu vực. Vậy tại sao một ngành mà tăng trưởng nhanh nhất nhưng đầy rủi ro?", Bộ trưởng đặt câu hỏi và chỉ ra tình trạng thừa cung xảy ra tháng 4 vừa rồi là một trong những biểu hiện lớn nhất về mặt rủi ro thị trường.
Cũng theo ông, trong ngành chăn nuôi heo, hiện Việt Nam mới làm được một trong ba khâu là sản xuất. Còn lại khâu chế biến, tiêu thụ thì yếu nhất trong tất cả các ngành của nông nghiệp.
"Mặt hàng cá tra, một số loại rau quả, cây công nghiệp... làm tốt tất cả các khâu, riêng con heo chỉ làm được khâu sản xuất. Cả nước hơn 20.000 lò mổ nhưng chủ yếu thủ công. Bán chủ yếu trên phản thịt ở chợ truyền thống thì làm sao mà tiêu thụ được số lượng lớn? Chính vì thế, sản lượng mỗi năm hơn 4 triệu tấn thịt hơi nhưng xuất khẩu chỉ được 20.000 tấn", Bộ trưởng lý giải.
Ông cho rằng công tác tái cơ cấu là rất cấp thiết. Theo đó cần phải tổ chức lại mô hình liên kết chuỗi; các bộ, ngành tập trung phát triển con giống đặc sản... Việc triển khai theo ông cần được thực hiện quyết liệt ở cấp Chính phủ, Bộ, ngành, doanh nghiệp...
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, việc xuất khẩu thịt heo Việt Nam sang các nước, từ nhiều năm nay vẫn chưa có đột phá. Phần lớn heo nuôi được, chủ yếu là xuất heo hơi sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC) cũng cho thấy, trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con (33.000 con mỗi ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con. Nhưng nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm sút chỉ đạt 1,17 triệu… Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch lại hạn chế.
Về heo thịt xẻ chính ngạch, Việt Nam mới xuất sang thị trường Hong Kong và Malaysia trong giai đoạn 2013–2016 khoảng 15.000-20.000 tấn (tương đương 200.000 con). Những con số này được cơ quan quản lý, doanh nghiệp tại diễn đàn nhận định, hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất.
Ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại & Đầu tư Biển Đông cho rằng, Việt Nam nhận định hiện có cơ hội lớn về xuất khẩu thịt heo sang các thị trường Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, theo ông, việc mở thị trường cần được thực hiện theo cấp nhà nước để có thể thống nhất và tập hợp thông tin quy định quản lý kỹ thuật, thương mại với cơ quan quản lý ở các quốc gia này... Cùng với việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại ở cấp Bộ, doanh nghiệp sang các nước để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa, Việt Nam cần xây dựng bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu về kỹ thuật và thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu.
Trong khi đó, đại diện Đại sứ quán Hà Lan chia sẻ, ngành nông nghiệp Việt Nam nên coi mỗi hộ nông dân như một doanh nghiệp nhỏ. Họ cần được đào tạo để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao để tăng năng suất, biết hướng kinh doanh, phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm...
Mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực, đạt giá trị xuất khẩu trên dưới một tỷ USD. Là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn, Việt Nam có năng suất sản xuất 27,5 đến 28 triệu con heo, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa, 2 triệu tấn thịt. Theo đó, mức bình quân đạt 60kg thịt một người, 100 quả trứng, 10 lít sữa, 80 kg cá nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu.
Theo Nguyễn Hà (VnExpress)