Rộn ràng lễ hội Katê của đồng bào Chăm Bình Thuận
Ngày 20.10, đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn giáo tỉnh Bình Thuận đã tập trung về Khu di tích tháp Pô sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết để tham gia lễ rước y trang nữ thần Pô Sah Inư. Đây là một nghi thức quan trọng của Lễ hội Katê năm 2017.
Nghi thức thỉnh rước kiệu trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp Pô Sah Inư. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Dưới sự điều hành của các chức sắc người Chăm, dòng người rước y trang nữ thần nối dài từ sân lễ đến tháp chính. Hòa trong tiếng rộn ràng của trống Para nưng và tiếng kèn Saranai réo rắt, các chàng trai, cô gái người Chăm nhịp nhàng múa điệu múa dân tộc uyển chuyển.
Lễ hội Katê năm 2017 gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm theo đúng phong tục truyền thống với các nghi thức cúng cầu an tại tháp chính, thỉnh và rước y trang nữ thần Pô Sah Inư, lễ tắm bệ thờ Linga- Yoni, lễ mặc trang phục và cúng mừng Ka tê. Phần hội được tổ chức sôi nổi với một chuỗi các hội thi, trò chơi văn hóa dân gian của người Chăm như thi và trình diễn dệt thổ cẩm Chăm, thi làm gốm, làm bánh gừng, bịt mắt đập niêu, thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, biểu diễn nhạc cụ Chăm... Lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng từ năm 2005 với đầy đủ nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian mang đậm tính tâm linh, tín ngưỡng vốn có của người Chăm. Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ các vị thần Ppo Klaung Girai, Ppo Rome... và cầu mong mùa màng bội thu, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và con người. Lễ hội Katê của người Chăm thường diễn ra trong không gian lớn, bắt đầu từ những hoạt động cúng bái tại đền, tháp đến làng, bản và gia đình. Đây là dịp để người Chăm xa quê trở về quê hương, sum họp và quây quần bên gia đình, người thân. Ngày nay, lễ hội Katê không còn là ngày vui riêng của đồng bào người Chăm mà còn thu hút rất đông người dân và du khách tới tham quan, tìm hiểu. Để tạo sân chơi cho đồng bào vui Tết truyền thống, tại Khu di tích Pô Sah Inư, Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm và các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian được tổ chức như giao lưu văn nghệ, thể thao, thi trang phục Chăm, thi dệt thổ cẩm... Bình Thuận hiện có hơn 41.000 người Chăm sinh sống, tập trung chủ yếu tại huyện Bắc Bình,Tuy Phong, Tánh Linh... Người Chăm có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội Ramưwan, lễ Chabun…
Theo Hồng Hiếu (TTXVN/Tin tức)