Khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi: Hướng đi đúng, nhiều triển vọng
Tỉnh Bình Ðịnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi theo tinh thần Quyết định số 3465/2014 của Bộ NN&PTNT. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, về kết quả thực hiện đề án này.
- Tính đến nay, tỉnh ta đã có trên 3 năm thực hiện đề án thí điểm chuỗi liên kết khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương (CNĐD). Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện đề án trong thời gian qua?
+ Trong khuôn khổ đề án nói trên, năm 2015, tỉnh Bình Định đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ triển khai dự án chuyển giao công nghệ, ngư lưới cụ để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu CNĐD của tỉnh. Chuỗi liên kết này có sự tham gia của 25 tàu cá của ngư dân TP Quy Nhơn và Hoài Nhơn, Công ty CP thủy sản Bình Định, Công ty Kato Hitoshi General Office (Nhật Bản).
Đến nay, ngư dân đã sử dụng thuần thục quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản CNĐD theo kiểu Nhật Bản, chất lượng sản phẩm được cải thiện. Tổng sản lượng CNĐD ngư dân khai thác được 380 tấn, trong đó cá ngừ đạt loại A chiếm 3%, loại B chiếm 81%, phần còn lại là loại C và D. Đáng chú ý là lần đầu tiên, tỉnh ta đã xuất khẩu được nguyên con (36 con) CNĐD sang Nhật Bản và được thị trường Nhật Bản chấp nhận với giá khá cao, bình quân 1.241 yên/kg (tương đương 237.800 đồng/kg). Sản phẩm CNĐD của tỉnh ta cũng đã được quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản. Thông qua dự án, các DN Nhật Bản đã biết về Bình Định nhiều hơn và đã có nhiều DN quyết định đầu tư tại Bình Định. Điều đó cho thấy, việc áp dụng công nghệ, ngư lưới cụ của Nhật Bản để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu CNĐD là hướng đi đúng.
Các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra chất lượng CNĐD tại cảng cá Quy Nhơn.
- Chất lượng sản phẩm CNĐD đã được cải thiện, nhưng tỉ lệ sản phẩm đạt loại A có thể xuất khẩu nguyên con sang thị trường Nhật Bản còn thấp. Ông nói gì về vấn đề này?
+ Ngay từ đầu thực hiện đề án, quan điểm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh là đặt chất lượng và uy tín sản phẩm CNĐD lên hàng đầu, thà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với số lượng ít, nhưng chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, còn hơn là xuất khẩu nhiều nhưng bị đánh giá là không tốt. Vì vậy, khâu đánh giá chất lượng sản phẩm được thực hiện rất khắt khe, nên lượng CNĐD xuất nguyên con sang thị trường Nhật Bản không nhiều cũng là điều dễ hiểu.
Ngày 6.8.2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 3465/QÐ-BNN-TCTS phê duyệt đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”, chọn 3 tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa thực hiện thí điểm đề án với mục tiêu đến năm 2020, sản lượng cá ngừ đạt 91.000 tấn (21.000 tấn cá ngừ vây vàng, mắt to và 70.000 tấn cá ngừ vằn), giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%.
Mục đích của đề án là nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị CNÐD theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa ngư dân và DN, góp phần khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi, làm cơ sở cho việc nhân rộng trong nghề khai thác thủy sản ở Việt Nam.
Khách quan nhìn nhận, khả năng áp dụng thiết bị, công nghệ mới của ngư dân chưa đồng đều; một số ngư dân chưa tuân thủ triệt để quy trình, xử lý cá sau khai thác còn chậm nên đã ảnh hưởng đến chất lượng cá. Ngư trường khai thác CNĐD của ngư dân tỉnh ta xa, trên 300 hải lý, nên mất nhiều thời gian di chuyển, hoạt động trung chuyển sản phẩm chưa được thực hiện, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Việc nhân rộng chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến xuất khẩu CNĐD cũng không dễ, bởi phần lớn CNĐD ngư dân khai thác được đều được các DN mua xô với giá khá cao, nên việc khuyến khích ngư dân áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào thực tế gặp nhiều khó khăn.
DN thu mua CNĐD xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản cũng chưa có lãi, thậm chí còn bị thua lỗ, do chi phí vận chuyển sản phẩm từ Việt Nam qua Nhật Bản và chi phí lưu kho tại Nhật Bản quá cao.
- Như vậy, cần phải làm gì để phát huy hiệu quả chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ CNĐD theo tinh thần QĐ số 3465/2014 của Bộ NN&PTNT, thưa ông?
+ Có thể nói, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, xuất khẩu CNĐD nhằm nâng cao giá trị sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành thủy sản đã và đang được tỉnh ta triển khai. Do vậy, duy trì chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ CNĐD là việc làm cần thiết.
Để làm được điều đó, Sở NN&PTNT đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thiết bị và quy trình công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm CNĐD theo kiểu Nhật Bản, phù hợp với đặc điểm ngư trường và ngành nghề khai thác của ngư dân. DN thu mua, chế biến CNĐD chủ động đa dạng sản phẩm cá ngừ tươi và tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế thí điểm đấu giá cá ngừ, để nâng cao giá trị sản phẩm và khuyến khích ngư dân áp dụng công nghệ mới vào thực tế.
Sở NN&PTNT cũng đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng lộ trình, ký kết hợp tác khai thác CNĐD với các nước: Malaysia, Indonesia, Philippine, tạo điều kiện cho ngư dân Bình Định mở rộng ngư trường đánh bắt, tránh trú bão và tìm kiếm cứu nạn. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cho nghề câu CNĐD tại Bình Định và chọn Bình Định là đại diện Trung tâm nghề cá tại khu vực miền Trung. Tiếp tục hỗ trợ tỉnh ta thực hiện đề án thí điểm tổ chức, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi và đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản do Bộ NN&PTNT chủ trì.
- Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)