Mua bán công cụ hỗ trợ trái phép: Những hiểm họa khó lường
Lợi dụng các tiện ích của mạng xã hội, một số đối tượng đã biến đây thành công cụ để mua bán hàng cấm, gây nhiều hiểm họa cho xã hội.
Đối tượng Đỗ Anh Tuấn (bên trái) tại cơ quan công an.
Ngày 9.10 vừa qua, trinh sát Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội CA huyện Phù Cát đã mật phục và bắt Đỗ Anh Tuấn (SN 1999, trú thôn Kiều An, xã Cát Tân, Phù Cát) đang mang 2 thùng hàng ra khỏi bưu điện sau khi đã trả tiền cước phí vận chuyển 1,8 triệu đồng. Kiểm tra bên trong gói hàng được bao bọc cẩn thận, trinh sát phát hiện 2 dao kim loại, 1 dùi cui điện, 1 dùi cui kim loại (thường gọi là gậy 3 khúc) và 1 bình xịt hơi cay. Tuấn khai nhận, trước khi bị bắt khoảng 2 giờ đã nhận 2 dùi cui điện và dùi cui kim loại với cước phí 950 ngàn đồng và đã bán 1 cái, còn 1 cái cất giấu tại nhà.
Được biết, qua nguồn tin của quần chúng, trinh sát biết Tuấn sử dụng Facebook và dịch vụ chuyển phát COD (dịch vụ giao hàng kết hợp thu tiền hộ người gửi hàng) để giao dịch, mua bán công cụ hỗ trợ nên tổ chức mật phục bắt giữ.
Cách đây một năm, cũng qua mạng xã hội, CA Phù Cát đã bắt Phạm Viết Trung (SN 1997, trú xã Cát Tài) thu giữ 28 dùi cui các loại, đèn pin kích điện cùng số tiền 4,1 triệu đồng có được do bán công cụ hỗ trợ. Dịp Tết Nguyên đán 2017, CA các địa phương trong tỉnh cũng đã phá nhiều đường dây rao bán các loại công cụ hỗ trợ, pháo nổ trên mạng xã hội. Đơn cử như CA đã kiểm tra, thu giữ tổng cộng 397 công cụ các loại gồm đao, kiếm, roi điện, súng điện, dùi cui điện, bình xịt hơi cay của đối tượng Bùi Thắng Lợi (trú phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn); thu giữ hơn 16 kg pháo nổ do Võ Thị Hồng Xuân (20 tuổi, trú thị trấn Bình Dương, Phù Mỹ) rao bán...
Điểm chung của các đối tượng mua bán hàng cấm nói trên là lập tài khoản trên trang mạng xã hội, móc nối với các đầu nậu từ các tỉnh mua vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ về bán cho những thanh niên ở địa phương. Đối tượng Bùi Thắng Lợi khai nhận, việc mua bán, giao dịch chủ yếu thông qua mạng facebook được thực hiện gần cả năm. Khách hàng chỉ cần thống nhất giá cả, chuyển tiền qua tài khoản thì hàng sẽ được giao qua đường bưu điện hoặc xe khách, nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
Trong thời gian qua, CA các địa phương đã khởi tố điều tra, xử phạt hành chính nhiều đối tượng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Phần lớn, các loại công cụ hỗ trợ đều có hình dáng gọn nhẹ, dễ cất giấu nên nhiều người mang theo trong người phòng thân hoặc nếu cần có thể sử dụng để gây án. Ở TP Quy Nhơn, đã xảy ra nhiều trường hợp đối tượng sử dụng công cụ hỗ trợ như dao bấm, roi điện, súng điện, bình xịt hơi cay để uy hiếp cướp tài sản. Đặc biệt, các đối tượng trộm chó thường dùng súng bắn điện, bình xịt hơi cay, dùi cui điện tấn công lại người truy đuổi. Có vụ thủ phạm “đột nha” vào nhà dân ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) trong đêm khuya, chủ nhà phát hiện nhưng không dám kêu la vì thủ phạm lăm le con dao bấm sáng loáng đe dọa. Đối tượng Trần Đình Việt (Quy Nhơn) từ việc thủ sẵn roi điện trong người tham gia đánh nhau, chọc ghẹo các đôi tình nhân, trong lúc kẹt tiền đã bộc phát hành vi khống chế cướp tài sản của người đi đường. Nguyễn Văn Thành Được (phường Thị Nại, Quy Nhơn) quá bức bách trước cơn nghiện ma túy đã nhiều lần dùng súng bắn điện uy hiếp và dùng mã tấu đập phá, đe dọa những người trong gia đình để đòi tiền mua ma túy.
“Vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được nhà nước thống nhất quản lý và chỉ giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng để giữ gìn ANTT. Mọi hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng được coi là trái pháp luật và phải được nghiêm trị”, thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Phó trưởng CA TP Quy Nhơn, cho biết.
DANH NHÂN