MÔ HÌNH CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN “ỨNG DỤNG KỸ THUẬT THÂM CANH LÚA CẢI TIẾN”:
Cần được nhân rộng
Từ vụ Đông Xuân 2016 - 2017, Trung tâm Khuyến nông được Sở NN&PTNT giao thực hiện hợp phần sản xuất lúa theo hệ thống thâm canh cải tiến (SRI) thuộc Dự án FLOW/EOWE (do Chính phủ Hà Lan tài trợ) tại các HTXNN Ngọc An, xã Hoài Thanh Tây, HTXNN Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), Phước Hưng (Tuy Phước), Tây Bình (Tây Sơn). Tổng diện tích mô hình là 200 ha, được thực hiện ở cả 2 vụ Đông Xuân 2016 - 2017 và Hè Thu 2017. Tham gia mô hình có 1.295 hộ, trong đó có 1.083 hộ là nữ. Hầu hết bà con đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn; Trung tâm Khuyến nông giới thiệu doanh nghiệp ký hợp đồng với HTXNN tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Thực tế cho thấy, phương pháp sản xuất SRI đã tác động tích cực đến tập quán canh tác của nông dân, hạn chế chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường; năng suất lúa đạt cao hơn ruộng ngoài mô hình. Áp dụng phương pháp sản xuất SRI và IPM còn giúp giảm 25 - 30% lượng nước tưới; hạn chế tối đa lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thời gian chăm sóc.
Theo bà con nông dân tham gia mô hình, nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất SRI, bà con bỏ được thói quen gieo sạ dày, giảm chi phí đầu tư nhờ giảm lượng lúa giống, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; công chăm sóc, nước tưới cũng giảm. Năng suất lúa đạt cao hơn, lại được doanh nghiệp thu mua với giá cao, lợi nhuận tăng từ 25 - 35% so với phương pháp sản xuất truyền thống.
Nhìn chung, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường, cần được nhân rộng trong thời gian đến.
PHAN THANH SƠN