Tín dụng ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo: Thêm “đòn bẩy” thoát nghèo bền vững
Ranh giới mong manh về thu nhập giữa hộ nghèo, cận nghèo và hộ thoát nghèo khiến nhiều hộ mới thoát nghèo gặp khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao. Chính sách ưu đãi tín dụng dành cho hộ mới thoát nghèo mang đến cho họ cơ hội, “đòn bẩy” thoát nghèo bền vững.
Sau 2 năm, con bò cái được mua từ tiền vay dành cho hộ mới thoát nghèo của bà Lan đã sinh ra được 2 bê con, trở thành của để dành của gia đình.
Quý vốn vay ưu đãi
Từ diện nghèo với các ưu đãi về BHYT, tiền điện, vay vốn ưu đãi..., năm 2016, bà Phan Thị Sen (54 tuổi, ở đội 2, thôn Phú Khương, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) khá hụt hẫng khi được đưa ra khỏi diện này. Đồng vốn trở thành nỗi lo, khó khăn lớn với người phụ nữ đơn thân một lúc gánh trên vai trách nhiệm nuôi đứa con đang học năm cuối THPT và cha mẹ già.
“Chúng tôi đều muốn thoát nghèo bền vững. Nhưng vì đồng vốn eo hẹp, nhiều lúc muốn mua con gì chăn nuôi hay mua bán gì cũng thấy khó bốn bề”
Bà NGUYỄN THỊ LAN, ở xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân
Bà Sen tâm sự: “Vay vốn theo chính sách ưu đãi tại Ngân hàng CSXH có lợi thế hơn so với các ngân hàng thương mại khác là được vay trong thời hạn tương đối dài. Người có hoàn cảnh còn khó khăn như tôi sẽ kịp quay vòng để trả nợ, tích lũy một ít để làm vốn. Lúc còn ở diện nghèo, tôi quý nhất là đồng vốn vay. Nhờ 50 triệu đồng được vay theo chế độ ưu đãi hộ nghèo, tôi xây lại được chuồng trại với tổng chi phí 120 triệu đồng để chăn nuôi heo”.
Nhờ cán bộ địa phương, tổ tiết kiệm và vay vốn tư vấn, 1 tháng trước, bà Sen tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo. Cầm 50 triệu đồng trong tay, bà phần nào thở phào. Với số tiền này, bà Sen dự định chi một phần cho thức ăn của đàn heo gồm 8 con nái và 80 con heo lứa nhằm cầm cự việc chăn nuôi, vượt qua giai đoạn heo đang rớt giá.
Ở cách nhà bà Sen không xa, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi) bước vào năm thứ 3 thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo. Hộ bà Lan thoát nghèo từ năm 2015. Cũng tháng 9 năm ấy, chính sách ưu đãi tín dụng cho hộ mới thoát nghèo có hiệu lực. Vợ chồng bà làm thủ tục vay vốn 50 triệu đồng, mua một con bò sinh sản và đầu tư làm chuồng. Sau 2 năm, số bò trong chuồng đã tăng thêm hai con.
Cũng chọn đầu tư vào bò như một cách thoát nghèo bền vững, ông Nguyễn Văn Tin (57 tuổi, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) đã nhân được đàn bò từ 2 con lên 6 con sau 3 năm vay vốn thoát nghèo. Đàn bò là của để dành của ông. Trước mắt, ông dự định bán bê con để trả nợ trước 20 triệu đồng vốn vay. Sau đó, tiếp tục chăm sóc, gầy đàn bò tăng số lượng để tích lũy và trả nợ vay.
Tạo động lực
Theo số liệu của Ngân hàng CSXH tỉnh, từ lúc Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo có hiệu lực (tháng 9.2015) đến cuối tháng 9.2017, toàn tỉnh có 3.926 hộ mới thoát nghèo thực hiện vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 160 tỉ đồng. Dư nợ đến cuối tháng 9 là 142,659 tỉ đồng.
Đến nay, hầu hết các hộ mới thoát nghèo trong tỉnh đều tiếp cận được với chương trình tín dụng ưu đãi này. Ngay từ khi chương trình có hiệu lực, không ít hộ mới thoát nghèo ví chính sách tín dụng này như “cơn mưa rơi xuống vùng hạn” bởi đánh đúng vào tâm lý chung của đối tượng thụ hưởng về việc thiếu vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
“Chúng tôi đều muốn thoát nghèo bền vững. Nhưng vì đồng vốn eo hẹp, nhiều lúc muốn mua con gì chăn nuôi hay mua bán gì cũng thấy khó bốn bề. Nếu chẳng may gặp phải thiên tai, bệnh tật - như tôi năm nay bị zona thần kinh ảnh hưởng đến nửa người bên phải - thì rất dễ rơi vào cảnh nghèo trở lại. Được vay vốn trong thời hạn 5 năm, vợ chồng tôi đều thấy vui mừng. Đó là động lực để vợ chồng tôi cố gắng thoát nghèo bền vững. Hiện, ngoài chăn nuôi, làm ruộng, chồng tôi còn đi làm mướn, để kiếm thêm thu nhập, tích lũy để trả nợ đúng hạn”, bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
NGUYỄN MUỘI