Hợp lòng Dân!
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Lời phát biểu của người lãnh đạo cao nhất của Đảng một lần nữa khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Dân, về ý thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong từng suy nghĩ, việc làm, hành động của mình.
Tất cả mọi công việc của Đảng, trong địa vị là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, đều vì lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân, của đất nước đặt lên hàng đầu. Ngay trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, khi viết bài báo “Dân vận” năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đưa kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức cho toàn dân thực hiện”.
Trong thực tế, có những công việc rất khó, nhạy cảm, đụng đến quyền lợi của nhiều người như công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng; các phong trào bảo vệ trật tự trị an, phong trào thi đua “xóa đói, giảm nghèo”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… nếu mang lại lợi ích thiết thực cho dân đều được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của nhân dân và đạt được những kết quả rất tích cực. Câu chuyện di dời lồng bè, tàu thuyền neo đậu ở ven biển Quy Nhơn cách đây vài năm là một minh chứng từ thực tế.
Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo quyết định của Ban Bí thư, nhân dân sẽ giám sát cấp ủy, tổ chức đảng trong việc lãnh đạo thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhân dân cũng giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết các điểm nóng, các vụ, việc bức xúc, nổi cộm tại địa phương, đơn vị, nhất là những vụ việc nhân dân quan tâm… Thực tế cho thấy cán bộ, đảng viên làm việc tốt hay xấu, hành xử trung thực hay gian dối… đều khó lọt qua con mắt người dân. Đã có không ít trường hợp tiêu cực, tham nhũng tổ chức không phát hiện nhưng đã bị người dân vạch trần, bị pháp luật xử lý.
Có thể thấy, quyết định này một lần nữa thể hiện quyết tâm của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh và loại trừ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên. Việc phát huy vai trò của nhân dân, với tư cách là lực lượng đông đảo, hùng hậu nhất trong xã hội, tham gia giám sát cán bộ, đảng viên với tư cách là “công bộc” của dân, cho thấy thái độ cầu thị và không né tránh trong đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái trong nội bộ của Đảng ta.
Trong hành trình phát triển của đất nước và từng địa phương, sẽ có nhiều vấn đề, nhiều công việc cần có sự đồng thuận của toàn xã hội, của nhân dân mới có thể thực hiện thành công. Vì vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào, công việc gì thì mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần thuộc “nằm lòng” lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện cách nay nửa thế kỷ (ngày 18.1.1967): “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”!
HẢI ÐĂNG