Mất đất sản xuất vì bị sa bồi, ngập úng
Trong quá trình thi công tuyến đường Long Vân - Long Mỹ và làm hạ tầng xây dựng BVÐK khu vực tỉnh Bình Ðịnh tại Khu đô thị Long Vân - Long Mỹ (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) đã gây ra tình trạng ngập úng và sa bồi, dẫn đến nhiều diện tích đất sản xuất của các hộ dân không thể canh tác được.
Những khoảnh ruộng xung quanh mặt bằng xây dựng BVĐK khu vực tỉnh Bình Định bị sa bồi phải bỏ hoang nhiều năm nay.
Bỏ hoang vì bị sa bồi, ngập úng
Theo phản ánh của người dân tổ 3, KV 2, phường Trần Quang Diệu, Tập đoàn Phúc Lộc trong quá trình thi công tuyến đường Long Vân - Long Mỹ và đổ đất làm hạ tầng xây dựng BVĐK khu vực tỉnh Bình Định, không chỉ gây ngập úng mà nhiều diện tích đất sản xuất của các hộ dân ở gần khu vực xây dựng bệnh viện bị sa bồi, không sản xuất được.
Bà Nguyễn Thị Nhiều, ở tổ 3, KV 2, là hộ có diện tích bị sa bồi nhiều nhất, cho biết: “Gần 800 m2 đất ruộng của tôi bị sa bồi đã 2 năm nay rồi nên đành phải bỏ hoang, không thể canh tác gì được. Không có đất sản xuất nên gia đình thiếu gạo ăn, nếu tình trạng này kéo dài không khắc phục chắc sẽ rất khó khăn”.
Còn ông Nguyễn Văn Âu, ở KV 2, cho hay: Gia đình có 5 nhân khẩu, được Nhà nước giao cho 4 sào ruộng để sản xuất. Trong đó có 1 sào nằm gần địa điểm đổ đất xây dựng bệnh viện nên bị sa bồi, không thể sản xuất liên tiếp 6 vụ mùa gần đây. Lúc mới bị sa bồi, gia đình tôi tập trung khắc phục đưa cát, đá ra khỏi ruộng để tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, cứ vào mùa mưa đất đá lại tấp xuống ruộng nên đành bỏ hoang. Theo ông Âu, không những bị sa bồi mà cứ vào mùa mưa toàn bộ khu vực này bị ngập úng kéo dài, việc canh tác của người dân cũng gặp nhiều khó khăn hoặc bị gián đoạn. Người dân liên tục kiến nghị chính quyền địa phương cũng như tại các đợt tiếp xúc cử tri nhưng vẫn không được giải quyết.
Chính quyền thúc, doanh nghiệp lờ
Ông Trần Thành Tín, Khu vực trưởng KV 2, cho biết khu vực này trước đây là cánh đồng lúa rộng lớn, dù có gặp mưa lớn thì nước chảy xuống bàu (hồ nhỏ-PV), trong vòng một ngày là nước rút hết, không có tình trạng nước ngập sâu như hiện nay. Cách đây 4 năm, Tập đoàn Phúc Lộc khởi công xây dựng tuyến đường Long Vân - Long Mỹ nhưng không làm cống thoát nước nên cứ vào mùa mưa là xảy ra tình trạng ngập cục bộ trong thời gian dài, nhân dân không thể sản xuất được. Qua nhiều lần kiến nghị, Tập đoàn Phúc Lộc có làm cống thoát nước nhưng nước không thoát được, bởi chủ đầu tư lắp đặt cống quá cao so với mặt ruộng.
Ông Đặng Thành Hổ, Chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu, cho biết thêm trong quá trình xây dựng mặt bằng BVĐK khu vực tỉnh Bình Định, Tập đoàn Phúc Lộc cho đổ mặt bằng nhưng không có kè chắn bao quanh, khi gặp mưa lớn, nước chảy xuống thành dòng kéo theo đất, đá làm xói lở cả đoạn, bồi đắp các thửa ruộng mà người dân đang trồng lúa. Qua thống kê, có 8 hộ dân với diện tích hơn 8.000 m2 bị sa bồi, không thể canh tác. Sự việc này lãnh đạo phường đã báo cáo rất nhiều lần với thành phố, tỉnh. Tỉnh cũng đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh yêu cầu Tập đoàn Phúc Lộc sớm khắc phục tình trạng trên trước khi giao lại mặt bằng cho UBND TP Quy Nhơn quản lý. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời gian quy định bàn giao mặt bằng, Tập đoàn Phúc Lộc vẫn không khắc phục dứt điểm, cũng như hỗ trợ cho các hộ có diện tích đất bị sa bồi không thể sản xuất.
Người dân ở đây rất lo lắng, nếu không có đất sản xuất thì đời sống sẽ rất khó khăn. Vì vậy, trong khi chờ Tập đoàn Phúc Lộc khắc phục, người dân mong muốn chính quyền cần hỗ trợ kinh phí cải tạo diện tích bị sa bồi để có đất sản xuất, ổn định cuộc sống.
VĂN LƯU