Hàng triệu việc làm mới nhờ du lịch thông minh
Nhằm cụ thể hóa sự liên kết trong chuỗi giá trị giữa ngành du lịch với các ngành để phát triển, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội thảo “Du lịch thông minh - cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Văn Tuấn
Cơ hội và thách thức
Với mục tiêu là duy trì các nhóm hoạt động theo chủ đề, qua đó tiếp tục trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như giải pháp chuyển đổi số thành công sang du lịch thông minh. Do đó, hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Đẩy mạnh số hóa, xây dựng chính quyền điện tử lấy người dân là trung tâm; tăng cường chất lượng môi trường cạnh tranh, hợp tác theo chuỗi số hóa; cải thiện điểm đến, yếu tố môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) sáng tạo... Qua đó đưa ra cái nhìn thực tiễn dựa trên mô hình cụ thể để các DN nhận thức cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi xu hướng phát triển mới.
Cuộc cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội và các ngành kinh tế, làm thay đổi mô hình hoạt động của các công ty trong tất cả các lĩnh vực. Cùng đó, du lịch cũng không là ngoại lệ với sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh du lịch trực tuyến như đặt vé máy bay, phòng khách sạn... Nhờ sự phát triển của Công nghệ thông tin (CNTT) đã làm thay đổi thị trường du lịch toàn cầu và đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của du khách, đây là cơ hội để các Công ty cung ứng phục vụ được tốt hơn nhu cầu của du khách và tạo thêm các giá trị gia tăng cho các sản phẩm dịch vụ của mình. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) Phạm Đại Dương, du lịch là một ngành có nhiều lợi thế, do vậy, muốn biến lợi thế thành giá trị thực thì các DN làm du lịch phải đổi mới, tăng cường đổi mới công nghệ, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Nếu các DN không kịp tiến hành chuyển đổi số thì tương lai phát triển của họ gần như sẽ bị đóng lại.
Tạo ra khoảng 4 triệu việc làm
Ngày 4.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng 4.0. Một trong những giải pháp được nêu trong chỉ thị là xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh và đô thị thông minh. Trong đó nêu rõ, du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh, đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ thu hút được từ 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 10% GDP với tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD, qua đó sẽ tạo ra khoảng 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Du lịch thông minh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đặt các DN và cơ quan quản lý trước sức ép phải chủ động thay đổi mô hình hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Văn Tuấn - cho rằng, phát triển du lịch thông minh là cốt lõi, do vậy phải phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Do đó, cần xác định ứng dụng CNTT chính là hoạt động đột phá trong sự cạnh tranh và sự cốt lõi của việc nâng cao năng lực cạnh tranh, là công cụ hữu hiệu phục vụ xoay quanh 4 trụ cột chính là: Du khách, điểm đến, nhà quản lý và nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm để các DN tạo chuỗi giá trị, cung cấp các loại hình du lịch theo đúng sở thích của từng khách hàng.
Theo Lao động