Bế tắc tâm lý tuổi vị thành niên: Cha mẹ cần gần gũi, chia sẻ
Theo nhiều chuyên gia tâm lý học, tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) có tâm lý chưa vững vàng, dễ bị tổn thương. Khi bị bế tắc, đặc biệt là những mâu thuẫn từ trong gia đình, các em dễ nảy sinh những hành động khó ngờ, trong đó có ý định tự tử.
Hãy tạo ra sự ấm áp, tình yêu thương trong chính ngôi nhà các em được nuôi dưỡng, lớn lên, giúp các em vượt qua những biến động tâm lý trong tuổi mới lớn.
Chị Mỹ (ở TP Quy Nhơn) vẫn còn rùng mình khi kể lại cảm giác lúc đọc được cuốn nhật ký con gái bỏ quên trên bàn. Lúc đó, chị như muốn ngất xỉu, bởi những dòng tâm sự hoảng loạn của con về chuyện khi bị ba mẹ la mắng chuyện bài vở, cấm không cho chơi với bạn này bạn nọ, con bé thấy cuộc sống thật ngột ngạt và muốn kết thúc nó. “Vợ chồng tôi ngay lập tức dành nhiều thời gian gần gũi con, gợi mở để con kể chuyện trường lớp, bạn bè, tạo điều kiện để con được làm những việc mình yêu thích, chúng tôi cũng tìm cách vui chơi với con. Con bé tỏ vẻ ngạc nhiên về sự thay đổi đó, nhưng nhanh chóng tiếp nhận với thái độ vui mừng. Nhiều đêm khuya sang phòng con nhìn con ngủ, tôi đã khóc rất nhiều với suy nghĩ: Nếu không phát hiện ra cuốn nhật ký đó...”, chị Mỹ trải lòng.
Không may mắn như chị Mỹ, anh Lê đã phải mang nỗi đau mất đứa con trai vì sự nghiêm khắc thái quá của mình. “Thằng bé cá tính từ lúc mới sinh ra. Cha con bàn luận chuyện gì cũng tranh cãi nảy lửa. Nó đã bày tỏ rất nhiều điều với tôi nhưng rất tiếc tôi đã không để tâm đến cho đến khi việc xấu đó xảy ra”, anh Lê đã kể lại câu chuyện trong bùi ngùi dù sự việc đã trôi qua khá lâu.
Theo Thạc sĩ tâm lý Đào Thị Hồng, giảng viên Trường CĐ Bình Định, nhiều vụ tự tử nổi cộm được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thời gian qua, hầu hết rơi vào người trong độ tuổi vị thành niên. Bởi, lứa tuổi đó là lứa tuổi muốn trưởng thành, muốn khẳng định trước mặt ba mẹ, thầy cô, bạn bè và người lớn. Thế nhưng, nhiều em bị thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc nên có rất nhiều lý do bị tổn thương, chẳng hạn như bị điểm kém; bị thầy cô, ba mẹ phê bình, la mắng; cãi nhau với bạn bè; bị ép học nhiều không cho đi chơi; bị người yêu quay lưng... Trong rất nhiều hành động, phản ứng tiêu cực của các em, tự tử là tiêu cực nhất, nhưng đáng tiếc nó lại khá phổ biến!
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong các kênh giúp giải tỏa bế tắc trong lòng những người trẻ tuổi vị thành niên, cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất. “Hãy tạo ra sự ấm áp, tình yêu thương trong chính ngôi nhà các em được nuôi dưỡng, lớn lên, giúp các em vượt qua những biến động tâm lý trong tuổi mới lớn một cách đầy ý nghĩa, để rồi tiếp tục sống tốt, sống đẹp ở những quãng đời tiếp theo”, Thạc sĩ Đào Thị Hồng tư vấn.
NGỌC TÚ