Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: “Chỉ đường” cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng
Ngày 24.10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tổ chức Tọa đàm khoa học “Kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII”. Ðây là dịp khẳng định ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng, giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Ðồng thời, nhận diện, đánh giá đúng thực trạng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong những năm gần đây.
Tháng 10.1947, khi vận mệnh dân tộc đang ở thời khắc cam go nhất, trong bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc, nhưng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng và chỉnh đốn Đảng vẫn luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn, quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, Người đã lấy bút danh X.Y.Z viết một tác phẩm đặc biệt quan trọng để huấn luyện, giáo dục, rèn luyện phương pháp, đạo đức và phong cách làm việc cho cán bộ đảng viên: “Sửa đổi lối làm việc”.
Xây dựng hình ảnh cán bộ như “công bộc của dân” chính là làm theo tư tưởng của Bác trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.
- Trong ảnh: Cán bộ phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.
Vẹn nguyên tính thời sự
“Sửa đổi lối làm việc” đề cập đến 6 nội dung lớn, vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn về công tác xây dựng Đảng: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Theo tiến sĩ Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa Lịch sử (Trường ĐH Quy Nhơn), đưa ra 6 vấn đề lớn về công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những nguy cơ thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác hại của nó đối với đảng cầm quyền; chỉ rõ nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên, lâu dài là phải sửa đổi lối làm việc để chỉnh đốn lại Đảng.
“Thoạt nhìn bề ngoài và nếu mới đọc thì tưởng như “Sửa đổi lối làm việc” chỉ nói về tác phong, phương pháp công tác của cán bộ, của cơ quan. Nhưng thật ra, nếu đào sâu nghiên cứu, nhất là đối chiếu với thực tiễn các thời kỳ cách mạng của nước ta, có thể nhận thấy nội dung của tác phẩm vượt xa tên gọi của nó”, tiến sĩ Tuấn nhận định.
Nhiệm vụ cách mạng đề ra cho mỗi giai đoạn lịch sử luôn có sự thay đổi. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng cũng không dừng tại chỗ. Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Võ Văn Bình khẳng định, những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dự liệu, tâm huyết, kiên quyết chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Đặc biệt, những vấn đề lớn của công tác xây dựng Đảng mà Người nêu ra trong tác phẩm đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) kế thừa, bổ sung và phát triển phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó, Nghị quyết chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đây được xem như “tấm gương” để các đảng viên soi vào, thẳng thắn nhìn nhận những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống của bản thân để từ đó có biện pháp, kế hoạch khắc phục, sửa chữa.
Xây dựng hình ảnh “công bộc của dân”
Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn dạy: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long cho rằng, thực tế vẫn còn nhiều cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc cho dân theo kiểu “ban ơn, làm phúc”, chưa thực sự đúng nghĩa là “công bộc” của dân. Thậm chí một số người tỏ rõ thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong khi giải quyết công việc của dân. Bên cạnh đó, còn nhiều vụ việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Để chấn chỉnh tình trạng đó, việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có ý nghĩa to lớn và rất quan trọng. Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhất thiết phải xây dựng cơ chế để đảng viên, nhân dân tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ; cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực thi quyền lực, ngăn ngừa sự lộng quyền, vượt quyền.
“Cần đổi mới công tác đánh giá cán bộ; xây dựng tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá chức danh cán bộ. Đánh giá cán bộ phải thật sự công tâm, khách quan, trung thực, mở rộng dân chủ, tổng hợp và chọn lọc kỹ các nguồn thông tin khác nhau; lấy số lượng, chất lượng và hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ”, ông Tuấn đề đạt.
Cũng về công tác cán bộ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quy Nhơn Trần Văn Thanh nhấn mạnh đến yêu cầu rà soát, xử lý, miễn nhiệm, thay thế những trường hợp suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình.
“Phải xem xét, xử lý ngay, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác đối với những trường hợp kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp - nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình. Kết quả xử lý phải được công khai nghiêm túc”, ông Thanh nói.
NGUYỄN VĂN TRANG