Xử lý thực bì để trồng rừng chứ không phải phá rừng
Ngày 16.10.2017, Báo Bình Định có đăng bài viết: “Cạo trọc” rừng phòng hộ để trồng rừng kinh tế ở thượng nguồn Suối Mơ (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn).
Sau khi báo đăng, ngày 19.10.2017, Sở NN&PTNT có văn bản số 3887/SNN-KL gửi UBND tỉnh và báo Bình Định để giải trình về vụ việc trên. Theo đó, Sở NN&PTNT cho rằng địa điểm do báo Bình Định nêu thuộc khoảnh 10, tiểu khu 343, thực bì trước khi xử lý có trạng thái IB, là đất lâm nghiệp chưa có rừng (không phải là rừng phòng hộ). Trong đó khoảng 16 ha thực bì chủ yếu là cỏ tranh, lách, dứa dại, sim, mua và 4 ha thực bì là những cây bụi như: sim, mua, thẩu tấu, ngành ngạnh... Số cây có đường kính gốc từ 15-20 cm chỉ khoảng 5-10 cây/ha, cá biệt có một số gốc cây gỗ đường kính từ 30-40 cm đã bị chặt hạ từ những năm trước, đến nay còn sót lại phần gốc đang bị khô rục.
Đây không phải là phá rừng mà là xử lý thực bì để trồng rừng. Khu vực trồng rừng cách đầu nguồn Suối Mơ hơn 3 km, có độ cao tuyệt đối 690 m, phía dưới khu vực này là rừng sản xuất. Mặt khác với thực bì là cây bụi nêu trên thì khả năng chống xói mòn trong mùa mưa kém, do đó việc xử lý thực bì bằng hình thức phát dọn toàn diện nhằm mục đích tạo ánh sáng cho cây thông sinh trưởng là phù hợp với Quy trình trồng rừng phòng hộ môi trường cảnh quan và không ảnh hưởng tới việc xói mòn đất hay gây ra lũ lụt trong mùa mưa.
Báo Bình Định cũng tiến hành kiểm tra nội dung bài báo và nhận thấy có một số chi tiết phản ánh chưa chính xác. Cụ thể bài báo nêu phá rừng phòng hộ để trồng rừng kinh tế nhưng theo Sở NN&PTNT đây không phải là phá rừng mà chỉ là xử lý thực bì để trồng rừng thay thế. Vùng đất trên là đất lâm nghiệp quy hoạch chức năng rừng phòng hộ chứ chưa phải là rừng phòng hộ. Báo Bình Định chân thành xin lỗi bạn đọc và các cơ quan, đơn vị liên quan.
B.B.Đ