Phân bổ hạn ngạch khai thác nguồn lợi thủy sản cho địa phương
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm (đặc biệt là nguồn lợi vùng biển ven bờ), số lượng tàu cá khai thác gần bờ lớn, hiện tượng ngư dân sử dụng các phương pháp khai thác hải sản mang tính hủy diệt chưa giảm, để đảm bảo khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, bền vững và sử dụng hợp lý lợi ích mà nguồn lợi thủy sản mang lại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những giải pháp mà ngành nông nghiệp sẽ triển khai.
- Với số lượng tàu cá hiện nay là rất lớn đã tạo áp lực cho việc khai thác nguồn lợi thủy sản. Thứ trưởng đánh giá như nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Đúng vậy, hiện nay số lượng tàu cá tương đối lớn, trong khi đó, nguồn lợi ngày càng suy giảm. Do đó, cần phải tổ chức lại, từ quy hoạch số lượng tàu khai thác xa bờ theo hướng giữ ổn định trên dưới 30.000 tàu cá và không tăng thêm. Bên cạnh đó, chuyển đổi và nâng cấp cho đội tàu hiện đại hơn, khai thác hiệu quả, đảm bảo giảm tổn thất sau thu hoạch...
Mặt khác, cần phải giảm số lượng tàu khai thác ven bờ, hiện đang chiếm khoảng 70%. Trong cơ cấu tàu cá ven bờ, tới đây sẽ phân cấp quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản cho các địa phương. Đồng thời, sẽ có các quy định trong quản lý tàu cá như phân biệt đội tàu đánh bắt xa bờ và gần bờ bằng việc sơn màu sắc khác nhau như các nước đang sử dụng. Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng kiểm ngư, hiện đã đưa vào Luật Thủy sản và trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới; trong đó, sẽ thành lập lực lượng kiểm ngư của 28 tỉnh ven biển.
Tàu công suất nhỏ neo đậu tại bờ biển Sơn Trà, phường Thọ Quang (Đà Nẵng). (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Quan trọng nhất là phải nâng cao được nhận thức của ngư dân, đây mới là điều cốt lõi. Bởi các chế tài và các biện pháp hành chính vẫn bị giới hạn nhất định, quan trọng nhất là làm sao để người dân hiểu được khai thác hôm nay để tương lai sau này cũng được hưởng lợi. Do vậy, phải xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, trên cơ sở căn cứ vào điều tra nguồn lợi, từ đó có sự điều tiết trong khai thác cho phù hợp. Các nội dung này đều được đưa vào Luật Thủy sản nhằm hướng tới việc khai thác và phát triển ngành thủy sản bền vững.
- Ông có thể nói rõ hơn về việc phân bổ hạn ngạch khai thác cho các địa phương?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Đây là một phương thức quản lý khoa học mà các nước trên thế giới đang làm. Chúng ta đang hướng tới áp dụng hình thức quản lý này. Có nghĩa là, phải điều tra nguồn lợi thủy sản, biết được trữ lượng, biết được sản lượng khai thác tối đa cho phép. Từ đó, quy hoạch lại các nghề, các vùng biển để khai thác, quản lý tàu cá, cũng như cấp phép, cùng các biện pháp khoa học khác... nhằm ổn định sản lượng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đây là giải pháp rất quan trọng. Trong Luật Thủy sản đã cụ thể hóa vấn đề này, tới đây sẽ phân bổ hạn ngạch khai thác cho các địa phương trên cơ sở kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, thay đổi quy trình cấp phép đóng mới tàu cá cũng như kiểm soát toàn bộ chuỗi khai thác hải sản hướng tới truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của các nước nhập khẩu.
- Hiện nay, số lượng tàu lưới kéo rất lớn, khoảng 12.000 chiếc. Theo quy hoạch sẽ giảm số lượng tàu này, vậy việc thực hiện như nào, thưa ông?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Về chính sách đã tính đến việc này, ngay tại Nghị định 67 sửa đổi, giai đoạn từ 2018 sẽ không đóng mới tàu cá tăng thêm, nhưng vẫn sẽ cho đóng mới tàu cá trên cơ sở giữ nguyên số lượng nhưng phải cải hoán và thay đổi bên trong. Ví dụ, một tàu cá đang hoạt động nghề lưới kéo mà muốn chuyển sang nghề lưới vây thì vẫn được đóng mới theo hình thức chuyển đổi nghề bằng chính sách của Chính phủ. Thay đổi lại thiết kế tàu, nâng cấp tàu theo hướng hiện đại hơn. Trong cơ cấu thì vẫn giữ nguyên đội tàu đánh bắt xa bở khoảng 30.000 chiếc, nhưng số lượng tàu hoạt động theo nghề lưới kéo sẽ giảm đi.
- Vậy còn lộ trình giảm số lượng tàu đánh bắt ven bờ sẽ thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Trong Luật Thủy sản sẽ phân cấp việc quản lý tàu ven bờ cũng như hoạt động khai thác nguồn lợi cho các địa phương.
Từ đó, các địa phương căn cứ vào trữ lượng, nguồn lợi hải sản, cũng như bảo vệ nguồn lợi... việc tăng hay giảm tàu cá là do địa phương quyết định trên cơ sở phối hợp với Trung ương và có giải pháp về kỹ thuật, giúp các địa phương bảo vệ các bãi đẻ, khu bảo tồn biển, hệ sinh thái... nguồn lợi phải sinh sôi. Bởi 70-80% nguồn lợi hải sản xuất phát từ ven bờ.
Việc bảo vệ nguồn lợi là rất quang trọng. Cho nên, sau này khi phân cấp quản lý cho các địa phương thì tùy thuộc các địa phương. Nếu quản lý tốt nguồn lợi sẽ sinh sôi phát triển, số lượng tàu cá, nghề khai thác sẽ tăng.
- Xin cảm ơn ông./.
Theo THÀNH TRUNG (TTXVN/vietnam+)