Khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu: Thị trường, hàng rào kỹ thuật và chi phí
Trong các khó khăn của DN xuất khẩu, cạnh tranh về nguyên liệu sản xuất và thị trường, hàng rào kỹ thuật, đội chi phí là những vấn đề được liên tục đề cập ở nhiều diễn đàn, gần nhất là cuộc gặp mặt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 mới đây.
9 tháng đầu năm 2017, sản xuất công nghiệp trong tỉnh bứt phá tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu lại “tụt hậu” khi chỉ mới thực hiện được khoảng 528,2 triệu USD, đạt 66% kế hoạch và đe dọa đến mục tiêu 800 triệu USD trong năm nay.
DN kêu khó đủ bề!
Đi vào cụ thể, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 9 tháng của năm 2017 tăng với tỉ lệ khá thấp (2,3%) so với cùng kỳ. “Rõ ràng sản lượng xuất khẩu sụt giảm khi DN Bình Định chỉ phụ thuộc vào khách hàng truyền thống, chưa khai thác mở rộng thị trường mới, không có đủ năng lực cạnh tranh với các DN nước ngoài có cùng loại sản phẩm”, Giám đốc Sở Công Thương Man Ngọc Lý cho hay.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU
Cơ sở của nhận định trên là thị trường xuất khẩu của DN Bình Định khá đa dạng với hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng đều có điểm chung là tập trung vào một số thị trường truyền thống. Trong đó, dẫu thị trường Trung Quốc chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn, song KNXK lại đang chiếm tỉ trọng lớn nhất (19,1%).
Mức độ cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong việc xuất khẩu sang thị trường các nước lớn, có nhu cầu cao, ngày càng trở nên gay gắt, nhất là với các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
KNXK ngành Thủy sản tỉnh 9 tháng qua ước thực hiện 57 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, tỉ lệ tăng không cao là do khai thác, thu mua gặp nhiều khó khăn. Có thể nói, DN trong tỉnh đang gặp rất nhiều sự cạnh tranh không lành mạnh từ các đối tác nước ngoài, bà Lan khẳng định.
Chia sẻ với những khó khăn của DN, trong cuộc gặp mặt với cộng đồng DN trong tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng cho rằng, khả năng đa dạng hóa thị trường của DN còn yếu, thiếu tính đột phá; bên cạnh đó là thiếu sự liên kết cũng như chưa khai thác những lợi ích khi tham gia hoạt động xúc tiến thương mại. “Vừa rồi tôi có đi cùng đoàn Bộ Công Thương xúc tiến thương mại ở Hoa Kỳ, gặp các DN Việt Nam tại đây thì nghe nhiều ý kiến rằng DN Việt Nam sang thị trường này gặp rất nhiều rủi ro về thủ tục pháp lý, không xây dựng được thương hiệu mặt hàng sản phẩm, đi xúc tiến thương mại mà chưa “hiểu” về thị trường mà mình muốn làm ăn”, Phó Chủ tịch Phan Cao Thắng nhấn mạnh.
Trong khi đó, nỗi ám ảnh “đội” chi phí khiến DN của tỉnh kém hẳn về sức cạnh tranh. Không thể phủ nhận, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng như giảm thuế phí, hỗ trợ DN tối đa; nhưng nhiều ý kiến cho rằng trong thực tế, từng lúc từng nơi, cộng đồng DN đang chứng kiến chi phí sản xuất kinh doanh liên tục tăng một cách hoàn toàn bị động, không thể dự báo trước để có thời gian chuẩn bị kỹ càng trước khi tiếp nhận, ký kết đơn hàng từ khách hàng nước ngoài.
“Hậu quả là DN nhanh chóng rơi vào tình trạng thua lỗ, nội lực dần cạn kiệt và thậm chí nhiều DN không dám nhận đơn hàng, bất chấp tình hình thị trường EU, Hoa Kỳ đã ấm lên từ quý III/2017 đến nay, với hàng loạt các khách hàng đề nghị đơn hàng mới cho mùa 2017 - 2018”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho hay.
Cần hoàn thiện chính sách khuyến khích xuất khẩu
Theo ông Man Ngọc Lý, có một vấn đề liên quan đến chủ trương của Chính phủ và tổ chức thực hiện của tỉnh, đó là lượng titan tồn kho lớn (khoảng 700 ngàn tấn titan các loại) và chưa giải quyết được. “Khi giá titan nhích lên chút đỉnh, các DN muốn xuất thì lại hết quota”. Tỉnh đã nhiều lần báo cáo đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ có giải pháp tháo gỡ cho DN được xuất khẩu lượng hàng tồn kho, nhưng đến nay chưa có ý kiến chỉ đạo. Mục tiêu KNXK đến cuối năm 2017, nếu có đột biến về xuất khẩu titan thì cũng có thể đạt; nhưng đánh giá khách quan thì khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu như đã đề ra từ đầu năm là không cao”, ông Man Ngọc Lý nhận định.
Trước tình trạng này, Sở Công Thương đã báo cáo lên UBND tỉnh để đề ra những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu cho thời gian ngắn ngủi còn lại của năm 2017 và cả những năm tiếp theo. Những giải pháp này được xây dựng trên cơ sở tăng cường cả trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội các ngành hàng, lẫn DN.
Trong đó, quan trọng là tiếp tục rà soát các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất xuất khẩu, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung tháo gỡ khó khăn cho DN. Quan tâm xử lý những kiến nghị của DN về các lĩnh vực có liên quan đến thuế, phí và những khoản nộp tại địa phương mà DN đã phản ảnh trong các phiên đối thoại, gặp gỡ lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu DN... Riêng DN cũng phải chủ động khai thác có hiệu quả cơ chế, chính sách đang có hiệu lực cũng như từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết mang lại từ thị trường các nước có DN Bình Định tham gia xuất khẩu...
THU HIỀN