Có một người Bana Kriêm như thế
Lần nào lên Vĩnh Thạnh, tôi cũng ghé nhà Yang Danh, để nghe ông say sưa, mải miết kể về người Bana Kriêm (còn viết là Bơhnar Kriêm), về đất và người Vĩnh Thạnh.
Hối hả viết về văn hóa Bana Kriêm
Yang Danh là nhà nghiên cứu văn hóa Bana Kriêm được nhiều người biết đến. Tác phẩm đầu tiên ông - Nhận diện văn hóa làng người Bana Kriêm Bình Định, được trao giải A3 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 1999. Tiếp đó là nhiều tác phẩm chuyên sâu nghiên cứu về lễ hội đâm trâu, ẩm thực, cồng chiêng… của đồng bào Bana Kriêm.
Được đồng bào ví là “từ điển sống văn hóa Bana Kriêm”, nhà nghiên cứu Yang Danh luôn được bà con chào đón như người thân.
Trong ảnh: Nhà nghiên cứu Yang Danh được mời uống rượu cần trong một gia đình Bana Kriêm.
Càng lo lắng về nguy cơ văn hóa của dân tộc mình bị bào mòn, ông càng hối hả viết. Những năm gần đây, Yang Danh lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm, đáng kể như: Văn hóa rượu cần của người Bana Kriêm, Tập tục truyền thống trong gia đình người Bơhnar Kriêm Bình Định, Văn hóa rượu ghè Bana Kriêm, Văn hóa nương rẫy người Bơhnar Kriêm Bình Định… “Có nhiều dân tộc có rượu cần, nhưng rượu cần của người Bana Kriêm có những nét riêng, vì thế mình mô tả tỉ mỉ về phong cách uống rượu của đồng bào mình”, Yang Danh kể.
Tác giả Yang Danh, tên thật là Yang Ðêu (SN 1946), quê ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh. Ông là Chi hội trưởng Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số; hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội VHNT Bình Ðịnh; Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Ðịnh.
Tôi được mục sở thị khi được ông dẫn vào tham gia một cuộc rượu của người Bana Kriêm. Được chủ nhà mời rượu, tôi nhẹ nhàng đón cần rượu bằng hai tay. Tay phải nhẹ đặt vuốt dưới tay người mời rượu lên hướng ngọn cần. Tay trái cầm cần đến khi chủ nhà “mời anh một ché rượu” mới dám uống. Thoáng thấy gia chủ có vẻ ưng cái bụng với lễ nghĩa vừa “học mót” từ lời kể của nhà nghiên cứu Yang Danh, ngay sau đó tôi đã bối rối vì chủ nhà bất ngờ mời ăn… một hạt cơm. Khi ấy, Yang Danh mới ghé tai tôi nhẹ nhàng giải thích: “Đáng lẽ chủ nhà phải mời ghè rượu mới, thết đãi bữa cơm đàng hoàng. Nhưng vì mình ghé vào giữa buổi rượu, nên họ mời như thế để “làm phép”, cũng ngầm hứa hẹn lần trở lại sẽ đón tiếp chu đáo hơn”…
Cái cách Yang Danh chia sẻ văn hóa Bana Kriêm, cách ông vui sướng cũng như lo lắng về di sản của dân tộc mình khiến người đối diện không thể không ngưỡng mộ, quý mến ông.
Tôi còn sống, tôi sẽ viết…
Những kiến giải cặn kẽ của Yang Danh chứng thực hiểu biết tường tận về văn hóa Bana Kriêm. Và việc nhiều người làng ví ông như “từ điển sống văn hóa Bana Kriêm” không có gì là quá. Yang Danh bảo, ông học từ các già làng thời xa xưa, từ cha ông và gom nhặt cả từ gốc tích người Bana Kriêm tận các vùng trên Tây Nguyên khi có một thời gian ông công tác trên đó. Hành trình tìm hiểu văn hóa Bana Kriêm của ông vẫn tiếp diễn đều đặn. Ông tâm sự: “Văn hóa dân gian Bana Kriêm phong phú và còn nhiều thứ ý nghĩa lắm. Năm sau còn sống, tôi sẽ viết về tang ma trong văn hóa Bana Kriêm, sang năm nữa còn sống tôi sẽ viết tiếp về hoa văn thêu dệt, năm nữa sẽ là ngôn ngữ dân ca của người Bana Kriêm, cứ như vậy đến khi nào còn sống, tôi còn viết về người đồng bào mình…”.
Tôi tin lời Yang Danh vì khi đọc Nhà sàn cổ của người Bơhnar Kriêm, tôi thật sự thấy thú vị khi biết tuy cũng là của người Bana nhưng nhà sàn của người Bana Kriêm Bình Định lại khác với nhà sàn của người Bana ở Tây Nguyên. Tôi tin lời ông còn vì qua nhiều người, tôi biết ông rất tâm huyết và nhiệt tình khi tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy ngôn ngữ Bana không chỉ cho con em địa phương mà còn cho cán bộ để mở rộng khả năng giao tiếp với đồng bào.
Những gom nhặt nho nhỏ về văn hóa của đồng bào Bana Kriêm khiến tôi luôn thấy thú vị và háo hức khi lên Vĩnh Thạnh. Và trong những cuộc trò chuyện với Yang Danh, tôi luôn có cảm giác như đang lật mở những trang sách cổ.
NGUYỄN VĂN