13 trường mầm non công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính: Không khả thi!
Sau năm học 2017-2018, ngân sách nhà nước sẽ ngừng hỗ trợ 13 trường mầm non công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính. Các khoản ngừng hỗ trợ gồm: lương, các hoạt động nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ. Mới đây, kết quả khảo sát của Sở GD&ÐT cho thấy, việc các trường phải tự chủ hoàn toàn về tài chính trong năm học tới là không khả thi.
Không còn là “trường tốt nhất”
Vì sao 13 trường này được chọn chuyển sang mô hình tự chủ hoàn toàn về tài chính? Đó là vì trong năm 2011, lúc làm Đề án chuyển đổi loại hình trường thì 13 trường này là những trường có cơ sở vật chất tốt nhất, nằm ở trung tâm thành phố, thị trấn và là trường duy nhất của địa phương tổ chức dạy bán trú.
Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, Trường Mầm non Hương Sen (1 trong 5 trường ở TP Quy Nhơn) sẽ phải chuyển sang mô hình tự chủ hoàn toàn về tài chính trong năm học tới.
Tuy nhiên, sau đó, tỉnh ta thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và cùng với lộ trình chuyển đổi trường mầm non bán công, dân lập sang công lập hoàn toàn và công lập tự chủ một phần tài chính, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới rất nhiều trường mầm non. Kết quả, trên cùng một địa bàn, các trường mầm non công lập khác lần lượt có cơ sở vật chất mới hơn, khang trang hơn, đặc biệt việc xây dựng sau này có những hạng mục phù hợp để giảng dạy chương trình mới. Tiếp đó, các trường đồng loạt tổ chức dạy bán trú. Có nghĩa là, 13 trường này không còn có lợi thế là “trường tốt nhất” nữa.
Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng thành trường chất lượng cao như trong Đề án chuyển đổi đã quy định để tương xứng với mức học phí ngày một tăng, lại không được quan tâm. Đến nay, chỉ mới dừng lại ở mức sửa chữa, phong quang trường lớp. Thế nên, khi các trường này tăng học phí lên theo lộ trình chuyển đổi thì phụ huynh lập tức chuyển con sang học các trường công lập khác với mức học phí thấp hơn rất nhiều.
Mức học phí sẽ thu trong năm học 2018-2019 của 13 trường tự chủ hoàn toàn về tài chính, dự kiến thấp nhất là Trường Mầm non huyện Tuy Phước: 1 triệu đồng/tháng/trẻ và cao nhất là Trường Mầm non 2.9 Quy Nhơn: 1,83 triệu đồng/tháng/trẻ (chưa kể tiền ăn, tiền chăm sóc phục vụ bán trú). Trong khi đó, các trường và cơ sở tư thục trên cùng địa bàn với các trường này thu từ 400 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng/trẻ.
Vì sao trường tư thục làm được mà trường công lập lại không làm được việc tự chủ tài chính? Bà Lương Thị Xuân Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT), phân tích: Về học phí, các trường tư thục ở TP Quy Nhơn hiện thu cao nhất tỉnh cũng chỉ ở mức 1,5 triệu đồng/tháng/trẻ; còn ở các huyện thì chỉ từ 200 - 400 ngàn đồng. Lâu nay vẫn nghe các trường tư thục thu hơn 3 triệu đồng/tháng/trẻ nhưng trong đó đã bao gồm cả tiền học tiếng Anh, hội họa, aerobic... Về cơ sở vật chất, các trường tư thục đều mới xây và công trình được chủ đầu tư chủ động nghiên cứu sao cho phục vụ thiết thực, hiệu quả mọi hoạt động của trường. Còn về con người, các trường tư thục được quyền lựa chọn và tuyển dụng giáo viên, nhân viên với mức lương thỏa thuận.
“Các trường tư thục thường chọn lựa những giáo viên năng động, sáng tạo, thậm chí đa năng khi dạy được cả chương trình mầm non, âm nhạc, ngoại ngữ… Đa số lương thấp và liên tục được thay đổi, tạo ra một đội ngũ mới, sáng tạo. Trong khi đó, các trường công lập hầu hết giáo viên lớn tuổi, hưởng lương cao. Một số huyện vin vào quy định “giữ nguyên hiện trạng như trước khi chuyển đổi” theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND nên không điều chuyển số lớn tuổi đi. Tuy nhiên, ngay cả huyện Hoài Nhơn dù đã chuyển số giáo viên lớn tuổi đi để đỡ việc chi trả lương cao thì số trẻ vẫn liên tục giảm sâu do mức học phí vẫn chênh lệch nhiều so với trường khác”, bà Tâm cho biết.
Cần một hướng mở
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thừa nhận: Mặc dù Quyết định 33/2013/QĐ-UBND ngày 30.8.2013 của UBND tỉnh đã quy định “ngân sách nhà nước từng bước hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học” nhưng hầu hết các địa phương đều ít đầu tư nên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở các trường xuống cấp trầm trọng, thua kém xa các trường công lập, công lập tự chủ một phần và tư thục trên địa bàn.
} Các trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều kết luận: Không thể thực hiện được việc tự chủ hoàn toàn về tài chính cho các trường này từ năm học 2018-2019~.
Bà Lương Thị Xuân Tâm phân tích: Cơ sở vật chất phải được đầu tư ở mức chất lượng cao trước rồi mới tính tới việc xây dựng, thiết kế chương trình giáo dục chất lượng cao, và từ đó tuyển chọn người thực hiện phù hợp. Ngay cả việc dạy tiếng Anh tại 13 trường này cũng không dễ triển khai, do biên chế không có - tức là phòng GD&ĐT không tuyển đưa về, còn nếu tự hợp đồng thì học phí đã cao mà còn thu thêm là điều rất khó cho các trường. Trước thực tế khó khăn đang gặp phải, bản thân các trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều kết luận: Không thể thực hiện được việc tự chủ hoàn toàn về tài chính cho các trường này từ năm học 2018-2019.
Về điều này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm kiến nghị: “Để đảm bảo duy trì hoạt động cho 13 trường nói trên, tạo điều kiện cho trẻ trong độ tuổi ra lớp và sự công bằng trong giáo dục mầm non, 13 trường đang rất cần một hướng mở. Nếu mô hình chất lượng cao chưa thể thực hiện được ngay thì Sở GD&ĐT kính đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh và lãnh đạo các cấp xem xét cho phép 13 trường có tên trên được chuyển đổi sang loại hình trường công lập tự chủ một phần về tài chính, thực hiện mức thu học phí theo Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 25.12.2015 của UBND tỉnh”.
NGỌC TÚ