Dạy làm bánh truyền thống
Ðể nâng cao năng lực đào tạo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trong kế hoạch, định hướng hỗ trợ Trung tâm, trong nhiều nội dung khuyến khích, UBND huyện Hoài Nhơn có khuyến khích Trung tâm dạy các nghề truyền thống của địa phương - trong đó có các loại bánh truyền thống. Khi biết định hướng này, tôi lập tức nhớ ngay đến thông tin từ một bài báo đọc trên báo Tuổi Trẻ về ngày hội bánh dân gian ở Trường CÐ Kinh tế kỹ thuật Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Bài báo cho biết, gần 50 loại bánh như bánh đúc, bánh xèo, bánh chuối, bánh khoai mì, bánh canh, bánh lọt, xôi, bánh da heo, bánh củ cải, bánh tằm bì... được bàn tay khéo léo của thầy cô và học sinh ở trường tự tay chế biến. Ý tưởng mở gian hàng bánh dân gian khởi nguồn từ thầy Trần Công Chánh, Hiệu trưởng nhà trường. Song song bán hàng trực tiếp, trường còn tạo trang Facebook giới thiệu các loại bánh thầy cô làm mỗi ngày, để người mua có thể đặt hàng trước, học sinh sẽ giao hàng tận nơi. Từ ngày quảng cáo bánh trên Facebook, có rất nhiều người tin tưởng đặt bánh cho đám tiệc, nhất là những ngày rằm. Từ liên tưởng này, tôi lại nhớ đến anh Trương Quốc Toàn - một người Bình Ðịnh xa quê, bạn viết của báo Bình Ðịnh. Từ Tây Ninh xa xôi, anh Toàn kể chuyện món bánh hồng dẻo thơm quê nhà đã mọc rễ ở phương Nam ra sao.
Ở tỉnh ta, xét về danh mục bánh kẹo truyền thống chắc không đâu hơn Hoài Nhơn. Có thể kể đến: bánh hồng, mè xửng, kẹo dừa, bánh dừa nướng, bánh đậu xanh… Trong xu hướng trở lại với các sản phẩm truyền thống, sản xuất thủ công, sạch và an toàn, nghề làm bánh chắc chắn chiếm một chỗ xứng đáng.
Tôi chưa có dịp đọc cụ thể, chi tiết kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích mà UBND huyện Hoài Nhơn dành cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Nhưng khi định hướng đã có những dòng “dạy các nghề truyền thống”, “bánh truyền thống”, tôi tin việc dạy nghề có nhiều khả năng thành công và thu hút được nhiều học viên.
Sẽ có người học để về sản xuất, lấy việc làm bánh như một nghề mưu sinh, cũng sẽ có những người học để có thêm một kỹ năng gia chánh. Và thông qua đó, có thể thấy được ngay rằng, giáo dục tiếp cận và sát sườn với đời sống sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Và cùng với việc có thêm nhiều người biết nghề, theo nghề, tìm hướng đưa sản phẩm ra thị trường, không chỉ có bánh và nghề truyền thống, không chỉ có công tác dạy nghề gặt hái thành công; mà gián tiếp qua đó, một phần di sản văn hóa sẽ tìm thấy lối đi mới trong đời sống hiện đại.
ÐÔNG A