Khai quật khảo cổ học di chỉ lò gốm Gò Cây Me: Lần đầu tiên phát hiện khuôn in hoa văn hình rồng
(BĐ) – Trong quá trình khai quật khảo cổ học di chỉ lò gốm Gò Cây Me (thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn) được Viện Nghiên cứu Kinh thành chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiến hành gần 1 tháng qua, đã phát hiện được hơn 5.000 hiện vật gốm, tập trung chủ yếu ở 3 dòng gốm: hoa nâu, men ngọc, men trắng. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là các mảnh bình gốm hoa nâu kích thước lớn, trang trí đẹp, có hình rồng in nổi, in chìm… được các nhà nghiên cứu đánh giá cao.
Đặc biệt, lần đầu tiên đã phát hiện được khuôn in hoa văn hình rồng (ảnh) trên gốm cổ ở Bình Định. Khuôn in bằng gốm tráng men, đã bị nứt bể mất một phần, nhưng qua phần thân, chân, đuôi... còn lại của rồng, thì các nhà khoa học nhận định đây là hình rồng thời Lê Sơ (thế kỉ XV). Hiện vật này rất có giá trị, góp phần thêm cơ sở khoa học chứng minh các sản phẩm gốm cổ có in hình rồng tương tự như trên khuôn được phát hiện, trưng bày ở các nước Đông Nam Á, Châu Á có nguồn gốc được sản xuất tại lò gốm Gò Cây Me. Một hiện vật đặc biệt khác là mảnh đế bát men trắng tô nhiều màu, là sản phẩm đồ dùng thường được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê Sơ…
HOÀI THU