Thượng tướng Hoàng Cầm, người của những phẩm chất cao quý
Cách đây không lâu, chúng tôi đến thăm Thượng tướng Hoàng Cầm, căn bệnh của tuổi già khiến ông đi lại khó khăn, nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông còn nói vui, mình sống đến nay đã là lãi lắm rồi, được có mặt trên đời đến dịp 60 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ thì rất thú vị, nếu không thì ra đi lúc nào cũng được.
Tôi cũng thầm cầu mong ông khỏe mạnh tới ngày kỷ niệm một trong những chiến thắng lừng lẫy nhất của dân tộc ta. Nhưng ở đời, đâu phải mọi mong ước đều được. Tôi vừa liên tiếp nhận được nhiều cuộc điện thoại cho hay hung tin, Thượng tướng Hoàng Cầm đã từ trần. Có những cuộc điện thoại của trí thức, văn nghệ sĩ từng sống ở Sài Gòn-Gia Định thời bị tạm chiếm, họ biết tướng Hoàng Cầm qua sách báo và những lời truyền tụng. Sức lan tỏa của Thượng tướng Hoàng Cầm, cũng như nhiều tướng lĩnh cao cấp quân đội ta lớn biết nhường nào.
Từ khi Thượng tướng Hoàng Cầm nghỉ hưu, thỉnh thoảng tôi thường ghé thăm ông. Vài năm trở lại đây, tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn trò chuyện được với khách. Quân đoàn 4 cử một chiến sĩ giúp Tư lệnh cũ trong cuộc sống hằng ngày, trong đó có việc tiếp khách. Với Thượng tướng Hoàng Cầm, khách tới thăm đều trọng như nhau, bất kể người đó cấp bậc chức tước gì. Khi ông còn khỏe, tôi đã chứng kiến ông trò chuyện rất cởi mở với một người chiến sĩ Sư đoàn 9 thời đánh Mỹ, nay hành nghề chạy xe ôm, trước khi chia tay, người chiến sĩ ấy muốn chụp với ông một kiểu ảnh ông mặc quân phục, mang quân hàm để cho bà con họ hàng biết mình từng là chiến sĩ của tướng Hoàng Cầm. Lúc ấy, tôi và mấy người có mặt hơi ngại với yêu cầu táo bạo ấy, nhưng Thượng tướng Hoàng Cầm vui vẻ đáp ứng.
Sau khi tiễn người chiến sĩ cũ ra về, ông kể cho chúng tôi nghe lần được gặp Bác Hồ trước khi vào chiến trường miền Nam, được Bác dặn, các chú vào trong đó cần phục vụ đồng bào, chiến sĩ vô điều kiện. Phục vụ đồng bào thì ông đã rất rõ, nhưng phục vụ chiến sĩ khiến ông nghiền ngẫm lâu mới hiểu. Rồi ông nhớ lại lời Bác dạy cán bộ tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18: “Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”. Suốt đời, ông tâm đắc lời dạy ấy. Có một dạo, bếp ăn của cơ quan quân đoàn bộ còn phân chia chế độ, tiểu táo, trung táo, đại táo, ngăn cách bằng tấm liếp mỏng, thấp. Nghĩa là cán bộ cao cấp ăn tiêu chuẩn cao nhất. Ngay ngày đầu, mọi người thấy, Tư lệnh Hoàng Cầm khó chịu, ăn uống gượng gạo. Mấy hôm sau, ông gặp cán bộ hậu cần và nói: “Thực ra, ăn theo cấp bậc không có chi là sai, nhưng chúng ta đã và sẽ cùng chung một chiến hào, hơn thế, khi chiến đấu, chiến sĩ, cán bộ cơ sở ở tuyến trước, đương đầu với gian khổ, hy sinh, hòa bình, ngay trong một nhà ăn, thủ trưởng ăn ngon hơn chiến sĩ, thật là khó nghĩ. Với lại, những người còn trẻ, cần phải ăn nhiều chất hơn người có tuổi”. Thế là từ đó, cả cơ quan ăn chung một tiêu chuẩn.
Tôi được gần gũi Tư lệnh Hoàng Cầm khi tôi đang là phóng viên Báo Binh đoàn Cửu Long. Hôm đó, ông từ chỉ huy sở đi bộ đến tòa soạn, lúc ấy, chỉ một mình tôi ở nhà, ông trao cho tôi cái phong bì:
- Mình vừa làm bài thơ về chiến thắng Phước Long, các cậu đọc và góp ý, nếu thấy đăng được lên báo thì đăng, nó cũng chỉ ở tầm báo quân đoàn ta thôi.
Nói dứt lời ông cười hồn nhiên. Rồi ông bắt tay tôi: “Mình đang họp Bộ tư lệnh, không nói chuyện lâu được. Hôm nào rảnh mình đến”. Tôi lặng ngắm ông sải những bước dài về Sở chỉ huy. Dõi theo Tư lệnh, tự nhiên, tôi nhớ tới câu chuyện, vào quá nửa đêm ngày 10.1.1965, đang về nghỉ ở nhà riêng, một đồng chí công tác ở Cục Cán bộ mang đến lệnh vào chiến trường miền Nam, và chỉ ba mươi phút chuẩn bị, vừa gấp quân phục, vừa dặn vợ con, rồi lên xe tới nơi tập kết. Sự kiện ấy được toàn quân học tập...
Ngày còn công tác, Thượng tướng Hoàng Cầm ít khi kể chuyện về mình, một đôi lần chúng tôi gợi ý ông kể về những trận đánh, những chiến dịch ông từng chỉ huy, ông liền gạt đi, theo ông, việc cần thiết nhất là nhiệm vụ binh đoàn đang thực hiện phải làm cho thật tốt. Sau này, khi nghỉ hưu về sống trong ngôi nhà yên tĩnh ở quận 3, nhiều buổi chiều đi làm về, tôi thường ghé thăm ông.
Một lần, khi nghe tôi hỏi về trận đánh khiến ông bị thương, ông im lặng một lát rồi kể:
- Đó là vào tháng 7.1947, Đại đội 250 chúng tôi nhận lệnh hoạt động ở vùng địch hậu Mộc Châu, khu du kích Mộc Hạ, làm nhiệm vụ phát động quần chúng, một hôm nhận được tin quân Pháp từ Hòa Bình mở cuộc càn quét lớn vào Suối Rút, Đà Bắc. Chúng tôi tổ chức phục kích đánh nhỏ, đánh tập kích để làm giảm tốc độ hành quân của địch để đồng bào ta kịp sơ tán. Chính lối đánh phục kích, phân tán địch để diệt khiến chúng thiệt hại nặng nề. Một hôm, đơn vị tôi đang xuất kích thì địch nã một tràng súng máy, tôi thấy nhói ở cánh tay phải và ngất đi. Anh em tưởng tôi đã chết nên lấy chăn gói kín, chuẩn bị mang đi mai táng. Nhưng rồi, tôi đã tỉnh lại và hỏi: “Sao các đồng chí buộc kín tôi thế này?”. Một người vừa mở chăn vừa nói: “Tưởng anh đã hy sinh nên chúng em làm công việc khâm liệm”. Rồi tiếng nhiều người òa khóc, một người xin lỗi tôi. Vết thương quá nặng nên tôi phải đi bệnh xá dã chiến điều trị ba tháng mới hồi phục sức khỏe. Nhưng cái di chứng nặng nhất là tay phải từ đó về sau không thể cầm bút viết được, đành phải viết bằng tay trái, nét chữ vốn như gà bới càng nguệch ngoạc thêm. Sau trận đánh ấy, tôi được Chính phủ tặng Huân chương Quân công hạng ba. Thực ra, công lao của anh em trong đơn vị lớn hơn tôi nhiều.
Hoàng Cầm là thế, bao giờ ông cũng đề cao công lao của tập thể, ông rất ghét chủ nghĩa cá nhân. Ông thường kể cho cán bộ, chiến sĩ về tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chống chủ nghĩa cá nhân. Tôi nhớ một lần, trong buổi liên hoan giáp Tết Nguyên đán, một người phát biểu nên đề nghị phong tặng Tư lệnh Hoàng Cầm danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Ý kiến ấy lập tức được nhiều cán bộ cao cấp có mặt hôm đó hưởng ứng. Vâng, một người như Hoàng Cầm, chỉ điểm qua những mốc thành tích lớn cũng đã rất xứng đáng với danh hiệu Anh hùng. Và chúng tôi hồi hộp chờ ý kiến của Tư lệnh.
Ông đứng lên, vẫn phong thái điềm tĩnh, ông nói rằng, tất cả những việc ông làm được đều do tập thể các ban chỉ huy, bộ chỉ huy và nhất là chiến sĩ, cán bộ toàn đơn vị góp phần làm nên. Còn danh hiệu anh hùng phải dành cho chiến sĩ, cán bộ cấp cơ sở, những người trực tiếp cầm súng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Rồi ông kể lại lần được gặp Bác Hồ, Bác nói: “Bác cháu ta đi làm cách mạng là để giải phóng đất nước khỏi họa ngoại xâm, nhân dân được hưởng hòa bình, hạnh phúc, ấm no chứ đâu phải để lấy chức tước này, danh hiệu nọ, phải không các chú”. Rồi ông nhắc lại chuyện Bác không nhận Huân chương Sao Vàng và rất nhiều danh hiệu, giải thưởng trong nước và nước ngoài tặng. Và ông kết luận, hãy dành danh hiệu cao quý ấy cho những chiến sĩ ưu tú nhất của binh đoàn.
Hai mươi tuổi, anh thanh niên Hoàng Cầm vào bộ đội, tham gia đánh Pháp rồi đánh Mỹ, có mặt ở hầu khắp các chiến trường trọng điểm, đấy là chặng đường Mười ngàn ngày, như tên cuốn hồi ký của ông được xuất bản sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thượng tướng Hoàng Cầm là người để lại nhiều ấn tượng cho cán bộ và chiến sĩ của mình không chỉ bằng tài năng chỉ huy, lãnh đạo xây dựng đơn vị mà còn bằng đức tính giản dị, khiêm tốn.
Thượng tướng Hoàng Cầm qua đời là một mất mát lớn, nỗi thương tiếc vô hạn của đồng bào và chiến sĩ. Thượng tướng Hoàng Cầm đã nêu một tấm gương sáng để toàn quân và thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau noi theo.
Thượng tướng Hoàng Cầm đã từ trần hồi 14 giờ 30 phút ngày 19.8.2013, tại Bệnh viện Quân y 175, TP Hồ Chí Minh.
Thượng tướng Hoàng Cầm (tên khai sinh Đỗ Văn Cầm), sinh năm 1920, tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là TP. Hà Nội); trú tại số nhà 244, đường Pasteur, phường 6, quận 3, TPHCM.
Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, V, VI; đại biểu Quốc hội khóa VII; nguyên: Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân đoàn 4; Tư lệnh Quân khu 4; Tổng Thanh tra Quân đội (nay là Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng). (Chinhphu.vn)
. Theo Đại tá, nhà văn NGUYỄN QUỐC TRUNG/QĐND