Tập trung nâng cấp lưới điện nông thôn
Là địa phương thực hiện chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT) cho ngành Ðiện quản lý, Bình Ðịnh có LÐHANT được đánh giá là linh hoạt và gần như tốt nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hiện Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh đang tiếp tục nâng cấp, cải tạo LÐHANT nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất ngày càng cao của người dân nông thôn.
Công nhân Điện lực Bình Định sửa chữa nâng cấp lưới điện nông thôn. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Kết quả tích cực
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương về việc chuyển giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý, vận hành và bán điện trực tiếp đến các hộ dân, từ năm 2008 đến nay, Công ty Điện lực Bình Định đã tiếp nhận LĐHANT từ 135 tổ chức quản lý điện nông thôn của 95 xã trên địa bàn tỉnh. Khối lượng tiếp nhận là 1.906 km đường dây hạ áp với 218.638 khách hàng sử dụng điện. Hiện còn 3 công ty tổng hợp ở các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và 11 hợp tác xã quản lý điện nông thôn ở khu vực đồng bằng chưa bàn giao LĐHANT.
Theo số liệu thống kê của Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh, LÐHANT trên địa bàn tỉnh hiện có 2.283 km đường dây hạ áp và 1.922 trạm biến áp. Toàn tỉnh hiện có 395.370 khách hàng sử dụng điện, trong đó khu vực nông thôn có 217.000 khách hàng (chiếm 55%).
Theo Sở Công Thương, sau khi tiếp nhận, trong giai đoạn 2011-2015, ngành Điện đã đầu tư hơn 900 tỉ đồng để nâng cấp lưới điện trung, hạ áp nông thôn. Cụ thể, xây dựng mới và cải tạo 251 km đường dây trung áp; 488 km đường dây hạ áp; xây dựng mới và nâng công suất 306 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 94.130 KVA.
Riêng Công ty Điện lực Bình Định, từ khi tiếp nhận đến nay, mỗi năm, công ty đầu tư khoảng 100 tỉ đồng vốn khấu hao để nâng cấp, cải tạo LĐHANT. Đến nay, công ty đã cải tạo được 1.429 km đường dây hạ áp, đạt 75% khối lượng tiếp nhận - ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết.
Nhờ được nâng cấp, cải tạo, LĐHANT trên địa bàn tỉnh hiện nay đã cơ bản đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nguồn điện ổn định, người dân an tâm sử dụng các thiết bị điện nhiều hơn, nên sản lượng điện tiêu thụ ở khu vực nông thôn liên tục tăng bình quân 8 - 9%/năm. Năm 2015, sản lượng điện tiêu thụ trên 654 ngàn MWh, tăng hơn 116 ngàn MWh so với năm 2012.
Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Việt, sau khi ngành Điện thay mới công tơ điện cũ, lắp đặt đường dây mới thay đường dây cũ nát, tiết diện nhỏ của LĐHANT trên địa bàn tỉnh, tỉ lệ tổn thất điện năng được kéo giảm đáng kể, từ 15% - 30% trước khi tiếp nhận, đã xuống dưới 10%. Đặc biệt, năm 2016 chỉ còn 5,39%.
Nhờ đó, Công ty Điện lực Bình Định tiết kiệm được một lượng điện năng ngày càng lớn. Năm 2016, tiết kiệm 31,23 triệu KWh, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết thêm: Lưới điện nông thôn được nâng cấp, cải tạo còn góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp LÐHANT
Ông Huỳnh Ngọc Việt cho hay, thời gian đến, Công ty Điện lực Bình Định có kế hoạch tiếp tục đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn đảm bảo vận hành an toàn, ổn định. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành.
“Lưới điện nông thôn được nâng cấp, cải tạo còn góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”
Ông MAN NGỌC LÝ, Giám đốc Sở Công Thương
Hiện trên địa bàn tỉnh có 158/159 thôn, bản được cấp điện từ lưới điện quốc gia (chiếm 99,37%). Để phủ kín lưới điện quốc gia đến 100% thôn, xã trên địa bàn tỉnh, ông Man Ngọc Lý đề nghị: Song song với việc ưu tiên nâng cấp, cải tạo lưới điện ở những khu vực có chất lượng điện thấp, ngành Điện, cụ thể là Tổng Công ty Điện lực miền Trung cần sớm hoàn thành các thủ tục liên quan để triển khai Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Bình Định, giai đoạn 2015 - 2020. Mục tiêu đến năm 2020 phủ lưới điện quốc gia đến 100% thôn, xã trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực xa xôi, khó khăn chưa có điện như 5 làng ở huyện Vân Canh hay xã đảo Nhơn Châu. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị - quốc phòng, đồng thời phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân khu vực miền núi, hải đảo...
Trong thời gian đến, UBND tỉnh sẽ cùng với Tổng công ty Điện lực Việt Nam tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương ưu tiên bổ sung vốn ngân sách nhà nước cấp phát cho Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020. Vốn bổ sung đến từ nhiều nguồn khác nhau như vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
TỐ UYÊN