Phản hồi bài “Có lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi?”:
Ðoàn ca nhạc không thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Biển Gọi Quy Nhơn hay “Ðoàn nghệ thuật nhân đạo - Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin” không liên quan gì tới Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh, từ trước đến nay đơn vị này chưa có hoạt động nào để ủng hộ cho Hội.
Báo Bình Định số ra ngày 27.9.2017 có bài “Có lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi?”, phản ảnh một số nội dung liên quan đến đoàn ca nhạc có tên “Đoàn nghệ thuật nhân đạo- Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin” thuộc Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Biển Gọi Quy Nhơn (trụ sở Đội 7, thôn An Hậu, xã Ân Phong, Hoài Ân). Sau khi báo phát hành, ông Đặng Ái Quốc (ở xã Ân Phong, huyện Hoài Ân), Trưởng đoàn ca nhạc này gửi đơn đến Báo Bình Định khiếu nại một số nội dung trong bài viết. Để rộng đường dư luận, Báo Bình Định xin trích đăng các nội dung ông Quốc phản ảnh; đồng thời, thông tin đến bạn đọc một số ý kiến của những người có liên quan.
Mỗi khi tổ chức biểu diễn, đoàn giăng phông màn “Chương trình nghệ thuật nhân đạo - Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin”. Thậm chí ô tô 16 chỗ chở đoàn cũng dán dòng chữ “Đoàn ca nhạc nhân đạo - Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin”.
Báo đăng, ảnh hưởng đến đoàn (?)
Theo đơn của ông Đặng Ái Quốc (trong bài viết đăng trên Báo Bình Định số ra ngày 27.9.2017, do viết theo đơn tố của bà Trương Thị Mỹ Trinh nên Báo Bình Định nêu là ông Nguyễn Minh Quốc, trú xã Ân Đức-PV), khiếu nại một số nội dung: Tác giả bài viết trích dẫn khống lời của em Trần Phúc Lâm và bà Trương Thị Mỹ Trinh (mẹ em Lâm) chứ không gặp mẹ con bà Trinh. Ông Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh ban hành văn bản số 39/CV-HDC ngày 13.1.2015 đề nghị Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH&TT) cấp phép cho đoàn hoạt động; do vậy, tác giả bài viết nêu nội dung “ông Văn Hiệp khẳng định không biết gì về đoàn” là không đúng sự thật. Cháu Trần Phúc Lâm bị khuyết tật đôi chân, không đi lại được chứ không phải bại não như tác giả nêu trong bài báo. Sau khi báo phản ảnh, đoàn ca nhạc ngưng hoạt động, khiến đoàn và các thành viên gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí.
Qua làm việc trực tiếp với PV, ông Quốc còn cho biết: Sở dĩ ông chỉ trả cho cháu Lâm 600 ngàn đồng/tháng là do cháu chưa biết hát; khi nào cháu biết hát, mới trả tiền công đúng như lời hứa ban đầu là 2 triệu đồng/tháng. Việc này ông đã thỏa thuận rõ ràng với gia đình cháu Lâm. Ông lập đoàn ca nhạc nhằm mục đích tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam. Đoàn hoạt động đúng theo nội dung giấy phép do cơ quan chức năng cấp; vì mục đích chung chứ không vụ lợi cá nhân hay bất kỳ lý do nào khác.
Số tiền đoàn quyên góp qua các buổi biểu diễn được sử dụng để trang trải trong quá trình hoạt động, trả lương và chăm lo cuộc sống hàng ngày cho các thành viên. Tại các địa điểm biểu diễn, đoàn giăng phông màn có dòng chữ “Chương trình nghệ thuật nhân đạo - Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin - Nối vòng tay nhân ái - Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” là thực hiện đúng như giấy phép do Sở VH-TT&DL cấp chứ không vì mục đích “kêu gọi lòng thương của mọi người”. Sở dĩ đoàn ca nhạc bị “điều tiếng không hay” trong thời gian gần đây là do có người mâu thuẫn với ông Quốc, tìm mọi cách để hạ uy tín của đoàn nên tố cáo…
Những người có liên quan nói gì?
Để xác thực nội dung ông Quốc phản ảnh, PV về xã Ân Tường Đông (Hoài Ân) gặp trực tiếp cháu Trần Phúc Lâm và bà Trương Thị Mỹ Trinh (người viết đơn tố cáo đoàn ca nhạc của ông Đặng Ái Quốc-PV). Bà Trinh khẳng định từ nhỏ cháu Lâm đã mắc bệnh bại não, dẫn đến đi lại khó khăn; tác giả bài báo (tác giả Nguyễn Kim) có tới nhà để gặp bà và cháu Lâm để xác minh, ghi nhận sự việc. Bà Trinh cho biết thêm vì bức xúc khi nghe cháu Lâm kể về quá trình ăn, ở với đoàn bị ông Quốc la rầy; cộng với việc ông Quốc không trả tiền như lời hứa ban đầu (2 triệu đồng/tháng), chỉ trả cháu Lâm 600 ngàn đồng/tháng nên bà làm đơn tố cáo gửi cho báo.
Bà Trinh khẳng định: “Sau khi báo đăng, ông Quốc có tới nhà năn nỉ, nhờ bà và cháu Lâm làm đơn “xác minh vụ việc” với mục đích “minh oan” để đoàn ca nhạc tiếp tục hoạt động. Vì “mềm lòng”, tôi làm đơn theo yêu cầu của ông Quốc, chứ không nghĩ, ông Quốc dùng giấy “Xác minh sự việc” để tố ngược lại báo”.
Còn ông Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho biết: Năm 2015, đại diện Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Biển Gọi Quy Nhơn tới liên hệ với Hội, đặt vấn đề tổ chức cho các em khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam biểu diễn ca nhạc, tuyên truyền về tác hại của chất độc da cam/dioxin; đồng thời, tạo công ăn việc làm, giúp các em hòa nhập cộng đồng. Nhận thấy đây là việc làm có ý nghĩa, Hội ban hành công văn đề nghị Sở VH-TT&DL xem xét cấp phép cho Công ty hoạt động.
“Hội chỉ dừng ở mức đề nghị đối với Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Biển Gọi Quy Nhơn chứ không hề đề cập tới đoàn có tên “Đoàn nghệ thuật nhân đạo- Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin”. Sau đó, Sở VH-TT&DL cấp phép hay không, cấp phép như thế nào và Công ty hoạt động ra sao tôi không rõ. Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Biển Gọi Quy Nhơn hay “Đoàn nghệ thuật nhân đạo - Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin” không liên quan gì tới Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh, từ trước đến nay đơn vị này chưa có hoạt động nào để ủng hộ cho Hội”, ông Hiệp khẳng định.
Trong khi đó, ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Qua kiểm tra, Sở chưa phát hiện đoàn ca nhạc của ông Quốc có dấu hiệu trục lợi hay hoạt động không đúng nội dung giấy phép. Tuy nhiên, việc đoàn giăng phông màn, không đề tên đơn vị chủ quản (Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Biển Gọi Quy Nhơn- PV), mà chỉ có tên “Chương trình nghệ thuật nhân đạo - Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin” sẽ dễ dẫn đến sự hiểu nhầm, rằng đây là đoàn ca nhạc thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Sở sẽ chỉ đạo Phòng Quản lý văn hóa xem xét lại việc này”.
B.B.Ð