Hát bội góp phần hình thành nghệ thuật cải lương
Lâu nay, nói đến tuồng (theo cách nói miền Bắc và Trung), hát bội (cách nói miền Nam), mọi người thường nhắc đến Bình Định và khu vực Nam Trung bộ. Hát bội được truyền từ Bắc (Đàng Ngoài) vào miền Trung (Đàng Trong) vào thế kỷ XVII qua Đào Duy Từ, rồi từ đó theo lưu dân vào Nam bộ vào thế kỷ XVIII và XIX. Chính tại đây, hát bội đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một loại hình sân khấu mới: cải lương. Cải lương nhanh chóng được hình thành - từ sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và nghệ thuật kịch nói Tây phương - trên cơ sở cải hóa nghệ thuật hát bội cho thích ứng với thời đại vào những năm 1920 và 1930, ban đầu có sự tham gia và nâng đỡ của tầng lớp trí thức thượng lưu theo Tây học và sống mạnh mẽ trong giới bình dân. Và sau đó, cải lương phát triển và bám rễ sâu trong quần chúng yêu nghệ thuật.
Tất cả những điều vừa nói trên, được trình bày một cách khoa học trong tập sách “Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam kỳ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945” của Nguyễn Đức Hiệp (Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2017).
KHẢ XUÂN