Cần chấm dứt tình trạng 1 mặt hàng mấy Bộ kiểm tra
Ngày 25.10.2017, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành nông nghiệp trong thời gian vừa qua.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao việc Bộ NN&PTNT đã chủ động cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, từ 345 điều kiện, Bộ đề xuất bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện, còn 227 điều kiện sẽ tiếp tục xem xét.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã tập trung xây dựng, đổi mới thể chế, chính sách và cơ chế liên quan tới phát triển, chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 27 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2016, phấn đấu cả năm nay đạt 34-15 tỷ USD.
Bộ cũng đã tích cực tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu như vừa qua, thịt gà Việt nam đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, nhiều loại hoa quả cũng đã lần đầu được xuất khẩu sang các nước….
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với tinh thần tận tụy, năng động, trách nhiệm, quyết liệt, đổi mới, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm.
“Bộ trưởng thường xuyên có những buổi làm việc đột xuất với Văn phòng chính phủ, phối hợp với các bộ ngành để giải quyết các vấn đề, tổ chức các sự kiện với quy mô lớn, đề xuất cách xử lý vướng mắc, xung đột giữa các bộ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.
Tại buổi làm việc ông Mai Tiến Dũng cũng nêu ra một loạt vấn đề được Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu Bộ NN&PTNT phải khắc phục, triển khai thực hiện nghiêm.
Một là, từ 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấm chặt phá rừng, tuy nhiên vấn đề quản lý rừng tự nhiên, cháy rừng, quản lý đất lâm nghiệp, đất rừng vẫn còn nhiều bất cập.
Hai là phải có các giải pháp chấn chỉnh đánh bắt cá trên biển hiện nay, trong đó cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề đánh mìn, điện để khai thác.
Bên cạnh đó là những bất cập liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể là tình trạng chồng chéo, một mặt hàng phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, dẫn đến kiểm tra trùng lặp. Nhiều mặt hàng phải chịu các hình thức quản lý, kiểm tra khác nhau của nhiều đơn vị của Bộ.
Nhóm động vật tươi sống như thịt, cá vừa phải kiểm dịch theo Thông tư 25 vừa kiểm tra theo Thông tư về an toàn thực phẩm.
Thức ăn chăn nuôi vừa kiểm dịch theo Thông tư 25 vừa kiểm tra theo Thông tư 66; sản phẩm động vật trên cạn vừa kiểm dịch động vật vừa kiểm tra an toàn thực phẩm; sản phẩm thủy sản vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, lại vừa phải kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm phải chịu kiểm tra chuyên ngành của hai hay nhiều bộ.
Chẳng hạn, sữa chua, sữa bột vừa phải kiểm dịch theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT vừa phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương. Hay như thức ăn gia súc vừa phải bị kiểm dịch của Bộ NN&PTNT và vừa bị kiểm của Bộ Công Thương; máy kéo nông nghiệp chịu sự kiểm tra của Bộ NN&PTNT và Bộ Giao thông Vận tải...
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra những vấn đề đang chồng chéo thuộc Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương, Bộ Y tế.
Theo đó, một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì, thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo hướng một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản và do một đơn vị chức năng thuộc Bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý.
Theo D. Thùy (infonet.vn)