Tượng gốm Đất nung - Đỉnh cao Gốm cổ Gò Sành:
Di sản Bình Định - một góc nhìn
NGUYỄN VĨNH HẢO
Trên mảnh đất Bình Định này, tự ngàn xưa, đã ủ sẳn một truyền thống của sự tiếp biến - hội tụ, tiếp nhận, và nâng chất lên một tầm mới. Cái truyền thống ấy như một sợi chỉ đỏ xuyên thấu qua những bước đi trong lịch sử một vùng đất, từ gốm và rồi sau này, còn gặp lại qua những di sản khác, như võ, hát bội và cả bài chỏi.
Vua khỉ
Bài 1: TRẦM TÍCH CỦA KÝ ỨC
Bình Định xưa - đất ấy vốn là chốn của hội ngộ, anh hùng và tài nhân, người hiền và tri kỷ. Nơi đây, trong trầm tích lịch sử của mình, đã thấy hiện diện những cư dân Sa Huỳnh buổi đầu, cư dân Chăm rồi lại trở thành chốn nương náu của những lưu dân hay cuộc tụ binh của những người áo vải.
Bản thân mảnh đất đã là chốn hội tụ, hẳn nhiên, trong dòng chảy văn hóa bền bỉ mà không kém phần mãnh liệt ấy, ta bắt gặp không ít lần hội tụ và tiếp biến. Mà bằng chứng hiển hiện nhất của chúng không gì khác hơn chính là những di sản, vốn vượt qua những tàn phá của bước thời gian, neo trụ lại như những giá trị tinh thần trong hành trang người Bình Định. Trong hành trang ấy, có di sản văn hóa Chăm, cả võ nghệ và các loại hình diễn tấu dân gian, chẳng như hát bội và bài chòi.
Hãy chiêm nghiệm lần nữa, từ những di sản ấy của lịch sử, để học lấy bài học về tiếp biến văn hóa hôm nay mà đầu tiên là hãy nhìn vào cuộc tiếp biến lần thứ nhất, khi những cư dân Chăm dựng lên một vương triều Vijaya và kết tinh lại thành những di sản Chăm đáng tự hào.
Tượng thần hộ pháp.
Thành quách, kinh đô, cảng thị và đền tháp… trong không gian văn hóa Bình Định có đủ. Bấy nhiêu cũng đủ để vinh danh Bình Định như chốn hội tụ của không gian văn hóa Chăm. Cái độc đáo nhất của Bình Định, như các nhà nghiên cứu từng khẳng định, là có cả một hệ thống di tích cả dân sự lẫn tôn giáo. Có thể nói, chưa ở đâu trên dải đất miền Trung này còn để lại đẩy đủ cả những kiến trúc về tôn giáo, dân sự, kinh tế như ở Bình Định và điều quan trọng nhất là tất cả những di tích đó đều còn những dấu tích vật chất, có thể nhìn thấy được. Và bởi thế, việc vinh danh di sản bằng cách tách các di tích tháp Chăm Bình Định ra khỏi hệ di tích Chăm Bình Định là một sai lầm. Và cũng nhờ thế, ở Bình Định, ta mới có cơ may không chỉ hình dung mà còn chứng kiến mô hình văn hóa Champa tại miền Trung mà cố GS Trần Quốc Vượng (1) từng đưa ra với ba phần: Thánh địa (núi, cao nguyên) - Thành (kinh đô)- Cảng (trung tâm buôn bán, thương mại).
Nhưng không chỉ có vậy.
Bên những đền tháp mang cái duyên thầm lặng với vẻ đĩnh đạc, khoan thai của người mẹ, cùng với những thành quách, cảnh thị và kinh kỳ chìm sâu trong đất mà khảo cổ học đến nay vẫn chỉ chạm được một phần nhỏ, tại Bình Định, ta còn có thể mục sở thị một cuộc hội tụ của đất và lửa, của kỹ thuật và nghệ thuật, của sự tạo tác và bàn tay thợ để nên hình một dáng gốm: Gò Sành.
Có thể nói không ngoa rằng, hoạt động sản xuất buôn bán gốm sứ quanh vùng vijay đã góp công lớn cho sự phồn thịnh của nền kinh tế Champa tại Vijaya những năm từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15. Từ đó, một Thị Nại mới nổi lên như một thương cảng lớn miền Trung, một Đồ Bàn mới có thêm nguồn lực vật chất, góp thêm sức hấp dẫn của chốn thị thành. Và từ đó, gốm Champa mới có thể định vị được thương hiệu trên bản đồ gốm sứ thế giới.
* Nơi phát xuất của con đường gốm sứ trên biển
Sự hiện diện dày đặc của các trung tâm sản xuất gốm Gò Sành ở lưu vực sông Côn cho phép ta hình dung về buổi đầu của một khu công nghiệp gốm sứ với trình độ phát triển cao cả về quy mô và chất lượng sản phẩm, về tầm vóc của hoạt động thương mại gốm sứ qua con đường gốm sứ trên biển, cũng như về vai trò của ngành công nghiệp ấy trong sự phồn thịnh của Vijaya thưở ấy.
Tượng bò thần.
Trong một thời gian dài, các sản phẩm gốm Gò Sành đã trở thành một nguồn hàng quan trọng của Champa cùng với các sản phẩm lâm sản đặc trưng khác. Nếu chúng ta đồng ý với quan điểm cho rằng, sự bắt đầu và phát triển của các lò gốm Gò Sành ở vùng Bình Định nằm trong xu thế phát triển chung của các lò gốm Đông Nam Á trước sự đóng cửa của nhà Minh, thì có thể thấy rằng chính thể Vijaya đã năng động như thế nào trong việc nắm bắt thị trường quốc tế và chủ động dấn thân vào mạng lưới giao thương quốc tế, đặc biệt là mạng lưới trao đổi gốm sứ trên biển (2). Sự hiện diện của chiếc bình ở Panadan (Philipines) cũng như ở Hoàng thành Thăng Long và một người anh em khác của nó hiện vẫn hiện diện tại Bình Định là minh chứng hiển nhiên, rằng gốm Bình Định đã được đón nhận và trân quý khắp cả vùng Đông Nam Á rộng lớn. Và nếu khẳng định nnhư Aoyagi Yoji (3), “vương quốc Champa đã có một mạng lưới buôn bán đồ gốm nửa sau thế kỷ XV” thì Gò Sành là nơi sản xuất và Thị Nại là nơi phát xuất của mạng lưới đó. Và giá trị của những vật phẩm gốm tưởng chừng chỉ được bán - mua thương mại một thời ấy, chính là một di sản hiện tồn.
Sự xuất hiện của một khu công nghiệp gốm sứ, có thể xem là lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó nếu so sánh với gốm Sawankalok (thế kỷ 14 - 16) ở Thái Lan - cũng là một dòng gốm tham gia vào con đường tơ lụa trên biển - vậy là có thể bổ sung thêm thành tố: sản xuất và nghệ thuật trong hình dung chung về mô hình không gian văn hóa Chăm ở Bình Định.
Hội tụ vào trong dòng chảy của gốm, những sản phẩm gốm bạch định ngả xám (Tống bản địa) thưở đầu, khoảng thế kỷ XI, ắt hẳn để phục vụ cho nhu cầu trong cung đình, đến những loại gốm celadon cao cấp thế kỷ XV dùng để xuất khẩu mà theo Tạ Chí Đại Trường, bên cạnh con tàu đắm ở Philippines, người ta còn tìm thấy ở cả bờ biển Ai Cập, bán đảo Á Rập, Ấn Độ nữa. Nhưng tỏa sáng và đỉnh cao nhất vẫn là tượng gốm, đánh dấu cho sự thoát thai của gốm từ chỗ những vật dụng thuần túy trở thành tạo phẩm nghệ thuật.
Ở gốm, vừa là một ngành sản xuất mang lại sự phồn thịnh cho một vùng đất, là điều kiện cho sự lớn mạnh của Thị Nại như thương cảng cho những chuyến tàu chuyên chở gốm xuất khẩu ra thế giới. Nhưng ở gốm, ta lại có thể đọc thấy “mã nghệ thuật” Champa, bổ sung thêm những nhận thức cho phong cách Bình Định của nghệ thuật Champa (xin được nói đến ở phần sau).
N.V.H
Bài 2: GỐM GÒ SÀNH TRONG “MÃ NGHỆ THUẬT” CHAMPA
Ghi chú:
(1) Vượng T. 1998, “Miền Trung Việt Nam và Văn hoá Chămpa (Một cái nhìn địa - văn hóa)”, in trong Vượng T., Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa, Nxb. Văn hóa Dân tộc - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hanoi, tr.308-340.
(2) Giang Đ. 2011, “Biển với lục địa – Thương cảng Thị Nại(Champa) trong “hệ thống thương mại Đông Á” [Sea and the Hinterland – Thinai Trading Port (Champa) in East Asian Trade Network] trong Nguyễn Văn Kim (ed.), Người Việt với Biển [Vietnamese and the Sea], The gioi Publishing House, Hanoi.
(3) Yoji A. 1998, “Production and Trade of Champa Ceramics in XV-XVI Century”, Việt Nam học - Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội, 15-17 July 1998.