Tiến tới Hội thảo khoa học quốc tế về gốm cổ Bình Ðịnh: “Gốm cổ Bình Ðịnh” là đề tài hấp dẫn
Sáng 28.10, Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Ðịnh - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt (thế kỷ XI - XV)” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức, sẽ khai mạc tại TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, trước đó, một số hoạt động liên quan đã diễn ra sôi nổi.
Từ đầu tháng 10.2017, Viện Nghiên cứu Kinh thành chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiến hành khai quật khảo cổ học di chỉ lò gốm Gò Cây Me (thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn). Đây là một nội dung, hoạt động phục vụ Hội thảo.
Hố khai quật tại di chỉ lò gốm Gò Cây Me.
Nhiều phát hiện mới, giá trị cao
Sáng 24.10, tại khu vực khai quật, tôi được đoàn khảo cổ hướng dẫn tham quan 4 hố khai quật (tổng diện tích 150 m2). Ở các hố, đều có dấu tích của các lò nung gốm còn khá hoàn chỉnh, đặc biệt là ở phần hậu lò. Có lò dù đã qua nhiều thế kỷ, nhưng hình dáng phần tường lò vẫn còn rất rõ… Tại các hố khai quật, còn phát hiện được hàng ngàn hiện vật gốm, chủ yếu là gốm hoa nâu, men ngọc, men trắng. Trong đó, chiếm tỉ lệ lớn là các mảnh bình gốm hoa nâu kích thước lớn, trang trí đẹp, có hình rồng in nổi, in chìm…
“Trước đây, giới nghiên cứu nhận định các lò gốm ở Gò Cây Me chỉ có giai đoạn thế kỷ XV. Nay từ kết quả khai quật khảo cổ học, có thể thấy các lò gốm nơi đây có hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn sớm là cuối thế kỷ XIV, còn giai đoạn muộn là thế kỷ XV…”, PGS.TS Lại Văn Tới, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, chủ trì đợt khai quật, nhận định.
Được biết, từ năm 1990 đến nay đã có 7 cuộc khai quật khảo cổ học ở các trung tâm sản xuất gốm cổ ở Bình Định, nhưng đến đợt khai quật ở Gò Cây Me mới phát hiện khuôn in hoa văn hình rồng trên gốm cổ ở Bình Định (ảnh nhỏ), bước đầu các nhà khoa học nhận định là hình rồng thời Lê Sơ (thế kỷ XV). Một hiện vật khác cũng lần đầu tìm thấy, là mảnh đế bát men trắng tô nhiều màu, là loại sản phẩm được tìm thấy ở khu vực Hoàng cung Thăng Long thời Lê Sơ…Những hiện vật này đều rất quý, có giá trị cao trong công tác nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Lại Văn Tới cho biết: “Dù những ngày qua, trời mưa to, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ gìn tốt những gì đã xuất lộ ở các hố khai quật, nhằm tạo sự hấp dẫn các học giả quốc tế về dự Hội thảo, khi được đi đến tận các di chỉ lò gốm cổ ở Bình Định, nghiên cứu địa tầng, di vật xuất lộ… ”.
Trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Champa Bình Ðịnh”
Nhằm góp phần phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của các đại biểu về dự Hội thảo, Viện Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Champa Bình Định”. Nhiều ngày qua, đích thân PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, trực tiếp tham gia hướng dẫn tổ chức trưng bày.
Sau nhiều ngày nỗ lực thực hiện, diện mạo phòng trưng bày các hiện vật gốm, điêu khắc đá đã đẹp hơn, khang trang hơn, nhờ được đầu tư thêm hệ thống đèn chiếu, bục, hình ảnh, bản đồ giới thiệu, minh họa. Khuôn in hoa văn hình rồng vừa phát hiện từ cuộc khai quật lò gốm Gò Cây Me, được đem về trưng bày và chiếm vị trí trang trọng.
Ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Nhiều hiện vật có giá trị cao của Bảo tàng được tổ chức trưng bày lại hợp lý và hấp dẫn hơn. Bắt đầu từ các sản phẩm gốm ở các công trình phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng có được từ cuộc khai quật di tích Thành Cha trong thời kì Vijaya, vương quốc Champa…rồi kết nối đến phòng trưng bày hiện vật điêu khắc đá Champa ở các ngôi tháp, sau đó đến các hiện vật gốm tráng men, thể hiện giai đoạn phát triển cực thịnh nghề gốm của người Champa…”.
Quả thật, sáng 26.10, trước dòng giới thiệu song ngữ Việt- Anh: “Lò gốm cổ Bình Định không chỉ sản xuất gốm cho thị trường nội địa mà còn tham gia vào con đường thương mại quốc tế, có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trải dài từ vùng Đông Nam Á đến vùng Trung Cận Đông xa xôi...” nhiều du khách đang tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã trằm trồ, dừng lại rất lâu để xem và chụp hình các hiện vật gốm được trưng bày trang trọng. Hy vọng rồi đây, không chỉ thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, “gốm cổ Bình Định” sẽ còn mời gọi thêm nhiều du khách về Bình Định để được tự mình lần theo hành trình gốm cổ.
HOÀI THU