Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Xác lập kỷ lục mới?
Hiếm có thời gian nào vốn đầu tư nước ngoài lại tăng liên tục qua các tháng và lần lượt bứt phá, vượt dự báo của các cơ quan chức năng cũng như giới chuyên gia như từ đầu năm đến nay. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo: Hết năm, nguồn vốn này có thể đạt tới 28 tỷ USD - tức là xác lập một kỷ lục mới.
Sản xuất máy in tại Công ty Canon Việt Nam.
Bức tranh sáng màu
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng qua, cả nước thu hút thêm 23,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là con số rất ấn tượng, thể hiện sự bứt phá và là tiền đề hướng tới kết quả chung như dự báo trên.
Cần nhấn mạnh rằng, cách đây khoảng 2 tháng, các chuyên gia đã đưa ra dự báo kết quả này sẽ “rơi” vào khoảng 23-24 tỷ USD, đồng thời nhận định, đó sẽ là một mức khả quan. Như vậy, có thể nói, vốn đầu tư nước ngoài đang "tăng tốc" rất nhanh và đây là thực tế đáng mừng, cũng như hé mở khả năng kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ là điểm sáng của nền kinh tế năm 2017.
Xét rộng hơn, dường như những khó khăn, bất ổn trong đời sống kinh tế toàn cầu không ảnh hưởng đến mức hấp thụ nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Kết quả này có được là do hiệu ứng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên thế giới, trong đó Việt Nam được đánh giá là địa chỉ hấp dẫn. Hơn thế, việc Chính phủ chủ động và liên tục cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh đã tạo sự chuyển biến và niềm tin đối với giới đầu tư, rồi việc Việt Nam tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa qua là một minh chứng đầy thuyết phục. Đến nay, nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đáng mừng hơn, ngày càng nhiều dự án có hàm lượng chất xám, ứng dụng công nghệ cao xuất hiện tại Việt Nam. Trên thực tế, tâm lý nóng vội, thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá đã giảm rõ rệt đối với chính quyền nhiều tỉnh, thành phố. Sự thanh lọc kỹ càng trước khi cấp phép dự án đầu tư nước ngoài đang diễn ra phổ biến, với ý thức cao hơn trước đây tại hầu hết địa phương.
9 tháng qua, mức giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Đây là kết quả cao hiếm có, vì thông thường tốc độ giải ngân chỉ tăng dưới 5% - vẫn được đánh giá là tích cực. Tốc độ giải ngân nói trên cũng cao hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.
Sức mạnh và cơ hội
Đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đang tiếp tục phát huy thế mạnh, đóng góp tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, hơn 20% GDP và tạo ra hơn 4 triệu việc làm trực tiếp trên phạm vi cả nước.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm 2017, sẽ gồm hơn 23 tỷ USD vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm, phần còn lại là do nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cho biết: Hiện cơ hội hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài là rộng mở đối với Việt Nam, nhờ lợi thế về vị trí địa lý - gần những thị trường lớn, nhiều sức cạnh tranh cũng như khu vực ASEAN (mà Việt Nam là thành viên tích cực) đang thể hiện rõ tính năng động, chủ động trong hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, sự ổn định vững chắc về môi trường chính trị là điều kiện tiên quyết, một sự bảo đảm xuyên suốt, có tác động mạnh mẽ, thúc đẩy nhà đầu tư quốc tế gia tăng hiện diện tại Việt Nam. Thêm nữa, Việt Nam đang tăng tốc đàm phán và tham gia các hiệp định thương mại tự do, từ đó được hưởng nhiều lợi thế, ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu - một điều kiện hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất để xuất khẩu hàng ra thị trường thế giới.
Nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang đứng trước một cơ hội mới là sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC chuẩn bị diễn ra tại Đà Nẵng và Việt Nam sẽ chủ động tận dụng thời cơ này để tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng để mời gọi giới doanh nghiệp quốc tế. Các lĩnh vực giàu tiềm năng, hoặc mới nổi như bất động sản - hạ tầng du lịch, công nghiệp chế tạo, bán lẻ, năng lượng và hạ tầng giao thông sẽ là “ứng cử viên” hấp dẫn đối với giới đầu tư nước ngoài.
Riêng nhà đầu tư Mỹ đang quan tâm, bỏ vốn vào dự án tổ hợp du lịch quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trong khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vừa tái khẳng định định hướng tăng cường đầu tư tại Việt Nam - với vị thế là "cứ điểm" sản xuất sản phẩm dành cho xuất khẩu, cũng như mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực then chốt như điện lực, đóng tàu, hạ tầng sân bay trong tương lai gần...
Những diễn biến, số liệu trên cho thấy việc xác lập kỷ lục mới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài là hết sức khả quan.
Theo Hồng Sơn (HNM)