Nghiên cứu văn hóa cảng thị Nước Mặn:
Cần được tiếp bước
Cảng thị Nước Mặn thuở phồn vinh giữ vai trò quan trọng đối với vùng đất từ phủ Quy Nhơn trở vào Nam, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa. Ðể góp phần làm rõ hơn vấn đề này, ngày 25.8, Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) tỉnh tổ chức tọa đàm chuyên đề về văn hóa cảng thị Nước Mặn.
Tâm huyết của một nhà nghiên cứu
Đến tham gia buổi tọa đàm về “Văn hóa cảng thị Nước Mặn”, ngoài các hội viên Chi hội VNDG tỉnh, còn có nhiều người quan tâm đến chủ đề này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tại Bình Định, đã dẫn dắt mọi người “ngược dòng lịch sử” tìm về với cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền. Ông tóm tắt một cách ngắn gọn, súc tích kèm theo sơ đồ minh họa để trình bày về các vấn đề: Biển Đông với cửa biển - cảng thị - đô thị - kinh đô ở Bình Định; những dấu tích và ký ức còn lại ở vùng Thị Nại - Nước Mặn; cảng thị Nước Mặn theo dòng lịch sử; văn hóa cổ truyền của cảng thị Nước Mặn. Đây là các nội dung chính trong công trình sưu tầm, nghiên cứu “Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền” của Nguyễn Xuân Nhân đã được xuất bản và trao tặng giải A Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định lần thứ IV (2006-2010).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân bộc bạch: “Tôi đã bỏ thời gian dài sưu tầm, nghiên cứu qua rất nhiều sách báo, tạp chí, tài liệu ghi chép của nhiều tác giả trong và ngoài nước về sử học, địa lí, khảo cổ, dân tộc, văn hóa, văn học có liên quan gần xa đến Nước Mặn. Đồng thời, kiên trì lặn lội đi thực tế tìm tòi gia phả các dòng họ, khơi dậy ký ức trong dân gian, khảo sát thực địa nhiều lần cả một vùng rộng lớn khu Đông huyện Tuy Phước và ven đầm Thị Nại… để có được nguồn tư liệu có thể tái hiện quá trình hình thành, phát triển đi đến phồn vinh của cảng thị Nước Mặn từ đầu thế kỉ XVII đến quá nửa đầu thế kỷ XVII, cũng như giai đoạn suy tàn”.
Một trong những đóng góp quan trọng nhất trong công trình sưu tầm, nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Nhân chính là việc khẳng định sự đóng góp của những người ở Nước Mặn trong những năm đầu La-tinh hóa tiếng Việt. Từ quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây đã thúc đẩy người Nước Mặn và người phương Tây học tiếng của nhau. Các nhà truyền giáo đã bỏ công sức học nói tiếng Việt, dùng chữ La-tinh ký âm theo chữ Nôm để viết kinh giảng đạo. Đây là tiền đề cho việc La-tinh hóa tiếng Việt và sáng tạo chữ Quốc ngữ được tiến hành có mục đích, có tổ chức ở cảng thị này để Nước Mặn trở thành nơi dạy tiếng Việt cho nhiều người nước ngoài đến sau. Đây cũng là nơi ghi kinh đầu tiên bằng chữ Việt, tạo điều kiện cho Alexandre de Rhodes hoàn chỉnh việc La-tinh hóa tiếng Việt, hình thành chữ Quốc ngữ về sau.
“Năm nay đã 82 tuổi, không còn nhiều thời gian và sức khỏe để tiếp tục nghiên cứu, tôi mong rằng công trình nghiên cứu ban đầu của mình sẽ “gõ tiếng trống” giục giã các thế hệ sau có tâm huyết tìm hiểu rõ hơn, sâu hơn về văn hóa cảng thị Nước Mặn”.
Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN NHÂN
Tiến sĩ Châu Minh Hùng, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, cho rằng: “Dưới góc nhìn ngôn ngữ học, cần đào sâu nghiên cứu về cách phiên âm, âm phát ngôn của người địa phương để lại dấu ấn như thế nào đối với những bản phiên âm của người Tây phương. Nếu có nhiều dấu ấn rõ nét thì mới có thể khẳng định chắc chắn vai trò trung tâm của Nước Mặn đối với việc hình thành, truyền bá chữ Quốc ngữ”.
Những ý kiến thảo luận khác tại tọa đàm đã cho rằng, công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân tuy rất tâm huyết, công phu, nhưng còn thiên về tính chất mô tả, chưa thực sự làm rõ một cách cụ thể văn hóa cảng thị Nước Mặn tồn tại trước đây có những nét đặc trưng và biến đổi theo lịch sử. Chẳng hạn, sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Minh Hương, những di sản kiến trúc, các lễ hội cổ truyền…
Ông Trần Xuân Toàn, Chi hội trưởng Chi hội VNDG tỉnh, nhấn mạnh: “Công trình sưu tầm, nghiên cứu về cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền đã đưa ra diện mạo bao quát ban đầu, gợi mở ra nhiều vấn đề có thể đi vào nghiên cứu, khẳng định từng nét đặc trưng văn hóa. Các nhà nghiên cứu ở Bình Định cần tiếp bước để làm rõ thêm, củng cố về mặt tư liệu”.
Dịp Tết Quý Tỵ 2013, Sở VH-TT&DL đã tiến hành dự án bảo tồn phi vật thể Lễ hội Đô thị Nước Mặn, với việc phục dựng lại lễ rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục đã thất truyền. Thiết nghĩ, thời gian tới, Sở VH-TT&DL, Hội VH-NT tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ cũng cần có sự phối hợp, tiếp tục tiến hành sưu tầm, khai quật để nghiên cứu về cảng thị Nước Mặn với quy mô lớn hơn, sâu rộng hơn. Từ đó, có nhiều điều kiện tập trung nhân lực, kinh phí để thực hiện một công trình nghiên cứu thật đầy đủ, chính xác, phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa cảng thị Nước Mặn, trong đó quan trọng nhất là địa điểm khởi đầu tiến hành La-tinh hóa tiếng Việt tại Nhà thờ Nước Mặn (thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang ngày nay).
HOÀI THU