Chuyện... “thẻ vàng”!
Trong mấy ngày vừa qua, thông tin hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị Liên minh Châu Âu (EU) phạt “thẻ vàng”. Theo giải thích của Tổng cục Thủy sản thì nguyên nhân là do nước ta hành động không đủ để chống lại nạn đánh bắt hải sản bất hợp pháp.
Điều khiến dư luận và các đối tượng có liên quan đến án phạt này lo lắng là với chiếc “thẻ vàng” này 100% container hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian sẽ kéo dài tới 3 - 4 tuần/container, phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 13 triệu đồng/container, chưa kể thiệt hại về chi phí lưu giữ hàng tại cảng, hàng bị từ chối thông quan... Thiệt hại sẽ còn lớn hơn nếu nhà nhập khẩu đối tác chuyển sang tìm các nguồn cung cấp khác thì việc tìm lại chỗ đứng ở thị trường này sẽ rất khó khăn.
Được biết, không chỉ có EU mà Mỹ cũng chuẩn bị áp dụng các quy định tăng cường giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản gồm: cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá mú, cá nục, cua, tôm, bào ngư, hải sâm, cá tuyết (bào ngư và tôm sẽ được áp dụng sau). Chương trình này yêu cầu nhà nhập khẩu phải thu thập để cung cấp và báo cáo các dữ liệu quan trọng từ khi khai thác đến khi đưa vào thị trường Mỹ.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện EU và Mỹ là 2 thị trường nhập khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới với quy mô hàng chục tỉ USD. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu thủy hải sản chính của Việt Nam. Trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hải sản từ 1,9 - 2,2 tỉ USD, trong đó EU và Mỹ mỗi thị trường chiếm khoảng 16 - 17% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam với con số tương đương 350 - 400 triệu USD. Vì vậy, nếu tiếp tục bị dính “thẻ vàng” hay tệ hơn là “thẻ đỏ” thì hệ lụy về kinh tế cho ngành xuất khẩu thủy sản là rất lớn.
Nói chuyện xuất khẩu bị ách tắc vì dính “thẻ vàng” để nói rõ nguồn cơn của sự cố không mong đợi này. Chúng ta đều biết thời gian vừa qua có không ít tàu thuyền khai thác hải sản của nước ta, trong đó có Bình Định, đã vi phạm lãnh hải một số nước lân cận. Nhiều tàu thuyền và ngư dân đã bị nước sở tại bắt giữ cả người và phương tiện, bị phạt tiền, phạt tù... Tuy nhiên, việc vi phạm còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế của đất nước. Vi phạm của ngư dân đã vướng vào các quy định của EU về khai thác hải sản, bị coi là đánh bắt bất hợp pháp từ đó đã làm liên lụy đến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản, khi họ mặc nhiên bị coi là có thu mua hải sản từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp (!).
Hiện nay, các bộ ngành chức năng đang nỗ lực để sớm thoát khỏi án phạt thẻ vàng của EU. Theo đó, về phía các doanh nghiệp chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp; cam kết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, khai thác bằng ngư cụ bị cấm...
Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp mạnh, trong đó có việc quy trách nhiệm cho chủ tịch UBND tỉnh có tàu cá vi phạm vùng biển các nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là chính những người ngư dân hành nghề khai thác hải sản cần ý thức được trách nhiệm tuân thủ luật pháp khi làm nghề trên biển. Có như vậy mới tránh được những hệ lụy tiêu cực, không chỉ với mình mà còn với cả nền kinh tế của đất nước, như đã xảy ra.
H.Đ