Chia sẻ kinh nghiệm dạy học tiếng Anh chương trình 10 năm
Hội nghị tổng kết giảng dạy thí điểm chương trình tiếng Anh 10 năm theo Ðề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, do Sở GD&ÐT vừa tổ chức đã chia sẻ những kinh nghiệm để triển khai Ðề án đạt kết quả tốt.
Tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học
Điều dễ thấy là chương trình học theo Đề án (10 năm) có lượng kiến thức nặng hơn so với chương trình cũ (7 năm). Nhiều giáo viên cho rằng, một trong những giải pháp để tăng tính hiệu quả của tiết học là tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Sử dụng CNTT giúp tạo sự phong phú trong cách truyền đạt; nhờ đó, học sinh - nhất là số hạn chế về học lực, dễ hình dung, dễ tiếp cận kiến thức hơn. Đến nay, Sở GD&ĐT đã cung cấp cho nhiều trường THCS và THPT các trang thiết bị dạy học cần thiết như bảng tương tác thông minh, máy chiếu, smart ti vi…
Một tiết học tiếng Anh sử dụng bảng tương tác thông minh tại Trường THPT số 1 Phù Mỹ.
Chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng bảng tương tác thông minh và máy chiếu, thầy Phạm Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Mỹ, cho biết: Để tăng hiệu quả, tôi đề xuất gắn cố định bảng tương tác và máy chiếu lên tường. Đồng thời, trang bị cho mỗi lớp học một máy tính bàn cài đặt tất cả phần mềm cần thiết. “Bảng tương tác có chân là 4 bánh xe rất dễ dịch chuyển khi giáo viên hay học sinh cầm bút chấm vào. Khi bảng di chuyển, sẽ ảnh hưởng đến đèn chiếu gắn bên trên. Tương tự vậy, mỗi lần dạy, thầy cô phải mượn máy tính xách tay của ban giám hiệu. Nhiều giáo viên thấy bất tiện nên đâm ra ngại sử dụng bảng tương tác”, thầy Cường thẳng thắn trao đổi.
Sử dụng các phiên bản trong sách điện tử, nhất là bộ sách iseebooks (iseebooks.vn) là một trong những giải pháp được Sở GD&ĐT gợi ý. “Nhiều thầy cô đang sử dụng điện thoại thông minh, nên cài đặt một số ứng dụng hữu ích như Lời giải hay, trong đó có những bài được thuyết minh rất tốt. Sử dụng 1 loa và kết nối điện thoại sang loa là có thể hỗ trợ lên lớp rất tốt”, thầy Cường tư vấn.
Ðầu tư vào tiết dạy Dự án (Project)
Không ít giáo viên đang xem nhẹ tiết dạy này vì cho rằng “khó thực hiện”, do đây là tiết học thực hành, giáo viên yêu cầu học sinh hoặc nhóm học sinh thực hiện một đề tài ở nhà và lên lớp trình bày. Mục đích của tiết học này là qua đó, học sinh có cơ hội rèn các kỹ năng: giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình và nâng cao khả năng sử dụng máy tính.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh, Trường THPT số 1 Tuy Phước, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tiết dạy Project theo 5 bước. “Bước 1 là quyết định chủ đề dự án. Giáo viên tạo điều kiện để học sinh nêu ý tưởng, đề xuất chủ đề, xác định mục tiêu dự án, rồi hướng dẫn học sinh phân tích, xác định các tiểu chủ đề từ các ý tưởng ban đầu. Bước 2 là xây dựng kế hoạch. Học sinh phải lập kế hoạch, dự kiến thời gian, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và tự phân công công việc cho các thành viên. Bước 3 là thực hiện dự án. Học sinh kết hợp lý thuyết và thực hành tạo ra sản phẩm. Bước 4 là giới thiệu sản phẩm dự án, trình bày dưới dạng bài thu hoạch, báo cáo bằng văn bản, thuyết trình với hình thức Powerpoint và lắng nghe phản biện. Bước 5, cả giáo viên và học sinh cùng đánh giá kết quả và quá trình thực hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm”, cô Minh nêu chi tiết.
Kinh nghiệm từ TP Quy Nhơn: Nâng cao vai trò hội đồng bộ môn
Ở cấp tiểu học và THCS, Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn là một trong những đơn vị triển khai rất tốt việc dạy học tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Bên cạnh nỗ lực của từng giáo viên, ông Lê Minh Tiến, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn cho rằng, vai trò của hội đồng bộ môn tiếng Anh rất quan trọng. Hội đồng này tham gia xây dựng, dự giờ và góp ý các tiết dạy mẫu, các tiết dạy chuyên đề. Qua đó, trao đổi những kinh nghiệm vận dụng phương pháp dạy học, cùng nhau khắc phục khó khăn, giúp giáo viên định hướng được những điểm chung trong chương trình. Trên cơ sở đó, Phòng chỉ đạo tổ chức các hoạt động thao giảng theo cụm, khối, chuyên đề, từng đơn vị bài học.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, kinh nghiệm của Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn là: Bên cạnh việc chọn những giáo viên giỏi làm đội ngũ cốt cán, phòng GD&ĐT cần chỉ đạo, hướng dẫn và khuyến khích giáo viên giới thiệu những mô hình tốt, cách làm hay và đưa lên website để phổ biến rộng rãi.
“Nhiều giáo viên ngoại ngữ tiến bộ rõ rệt về chuyên môn, tự tin trong việc sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại phù hợp với yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Chúng tôi khuyến khích các trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa tiếng Anh, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi, tạo sân chơi cho các em học sinh thể hiện khả năng của mình”, ông Tiến chia sẻ.
NGỌC TÚ