Có nên phân tầng học sinh như vậy không?
Ở TP Quy Nhơn, mấy năm gần đây, một vài trường THCS thực hiện phân tầng học sinh, đặc biệt là trước khi học sinh vào lớp 9. Theo đó, cuối năm lớp 8, căn cứ vào kết quả học tập, hạnh kiểm, trường sẽ dồn học sinh giỏi vào lớp giỏi, học sinh khá vào lớp khá, học sinh trung bình vào lớp trung bình... Tất nhiên sẽ có một vài lớp hầu hết là học sinh trung bình, chỉ có một vài học sinh khá, hoặc trung bình khá. Lý do của việc phân tầng là để dễ dạy, dễ quản lý, dễ giúp đỡ, hỗ trợ các em. Thoạt nghe, điều này là có lý. Tuy nhiên thực tế cho thấy, điều này chỉ đúng ở những lớp có nhiều học sinh giỏi; ở những lớp có nhiều học sinh trung bình, yếu, tình hình rất đáng lo ngại.
Tuy vậy, theo ghi nhận mới đây của người viết, ngay cả ở những lớp giỏi, nhiều học sinh cũng tỏ ra căng thẳng với áp lực là “gạo trên sàng”, với chuyện “lớp A1 học giỏi là đương nhiên”, với những lời răn đe “phải chen vào trường chuyên cho được”…
Từng là phụ huynh của một học sinh ở lớp gần chót, nhiều lần trò chuyện với các cháu, điều người viết rất lo lắng là nhiều cháu chán học, hổng kiến thức nhưng rất khó “học bạn” nên càng chán thêm. Ai cũng biết câu ngạn ngữ “học thầy không tày học bạn”, nhưng ở lớp học không có học sinh giỏi, loe ngoe vài học sinh kha khá thì việc học bạn quả là nan giải. Rất nhiều cháu, học hành chỉ để đối phó. Những lớp có nhiều học sinh học yếu, không chỉ giáo viên bộ môn khó giảng dạy, mà cả công tác chủ nhiệm cũng rất vất vả, nhọc nhằn.
Năm ngoái, giáo viên chủ nhiệm lớp của con tôi là một cô giáo cực kỳ nhiệt tình, thương yêu học trò, 15 phút đầu giờ mỗi buổi, cô thường xuyên đến lớp để nhắc nhở, động viên, thậm chí trò chuyện, uốn nắn các em. Nhưng một mình cô thì không đủ; chỉ giáo viên thôi cũng không đủ. Lớp học thiếu những hạt nhân học khá, giỏi truyền cảm hứng cho bạn bè thì rất khó nói đến không khí học tập. Từ những lần trò chuyện với các cô giáo bộ môn và chủ nhiệm, cá nhân tôi tị rằng: Cách chia lớp, phân tầng học sinh như vậy có vẻ không phù hợp với nguyên tắc sư phạm, quản lý giáo dục.
Hy vọng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, Sở GD&ĐT tổ chức khảo sát thăm dò tâm lý, biến động tình cảm và nỗ lực của học sinh, đánh giá khách quan và khoa học cách làm này. Xét ở góc độ nào đó, việc phân tầng như kể trên cũng là một cách đối xử thiếu công bằng với học sinh, với cả những giáo viên buộc phải đứng dạy ở những lớp học nhiều học sinh yếu.
ĐÔNG A